Lời Tựa

Lời Tựa

Gọi Là Nối Tiếp

 

Ở đời có nhiều việc miễn cưỡng mà làm, không làm thì không được, áy náy ray rứt tim gan, ngứa ngáy bức bối nơi óc, nơi tay nên phải làm cho xong. Mà làm thì những ngại cùng e; ngại vì công sức đổ ra biết việc có nên việc? Thành tựu như ý được chăng, hay vẽ hổ chẳng nên, thành vẽ nhảm. Đã e những trở ngại khó khăn, lại e cả răng hùm nọc rắn nơi miệng thế…

Càng khao khát muốn làm lại càng nhiều e ngại, nhất là trong địa hạt văn chương, văn học, văn hóa… vì “sai một ly đi một dặm”, “sai một lần di hại muôn đời”.

Người xưa thường nói: “Khôn văn tế, dại văn bia”. Tọa đàm mà biện luận, trời biển mênh mông, lưỡi uốn nhanh trí nghĩ kịp, lời nói tuôn như nước chảy rồi bay đi, người nói sướng miệng thỏa ý, người nghe vui tai để biểu đồng tình. Còn viết ra giấy, bút sa là chết, người đọc thẩm từng câu, nghiền từng tiếng, để, nào phân tích, nào tổng hợp… Người viết trí hay ngu, giỏi hay hèn, bày ra giấy đó, mãi mãi còn chứng cớ.

Ấy là tâm sự người chú giải quyển “ĐẠO TRƯỜNG NGÂM” này của Ông Xuân Yến Linh Đài (XY LĐA).

Miễn cưỡng mà làm có nhiều lý do, nhưng tựu trung đều vì xung động cảm tình cả. Hoặc vì yêu quí nhau quá, hoặc vì ghét giận nhau nhiều vân vân…  Xưa Thánh Thán đọc văn đêm vắng, giấy thơm bút tốt, chiếu sạch đèn sáng, tay ngứa ngáy mà phải viết phê bình, để lại cho người đến sau, cũng cùng thưởng thức bản văn đó, nay khi ta đọc Thánh Thán, nghe ông ấy chửi nhiếc “chỗ này ông đồ, chỗ ba (3) làng hiểu sao nổi”, ta vẫn khoan khoái mà nghe lời nhiếc mắng!

Cũng vậy, ấy là tâm lý người chú giải sách này, và ý nghĩ của tôi khi đọc bản chú giải này; có điều ông bình giảng này khác Thánh Thán xưa ở tác phong. Người thì quá kiêu, ngạo tôi mà tôi quí phục, người thì quá nhún, gần tôi cũng làm tôi yêu trân trọng.

Mến yêu trân trọng? Vâng! Tôi quí mến kính trọng tác giả Đạo Trường Ngâm bao nhiêu thì cũng quí mến bình giải bấy nhiêu. Đọc Thái Dịch nhiều đoạn tôi không hiểu tác giả nói gì? Nay nhờ Ông Mẫn Cầu ra công, tôi hiểu tác giả. Còn nói đúng hay sai ý tác giả tôi không biết, chỉ biết ông Mẫn Cầu đã vì quí trọng tác giả mà bình giải Đạo Trường Ngâm. Điều dám làm đó đã chẳng là đáng quí trọng lắm rồi ư?

Từ năm 1943, tôi đã nghe vang danh tác giả (Lý Đông A). Ông là một nhà cách mạng mưu cứu nước đang bị ngoại nhân đô hộ. Sau tôi được biết thêm ông là người vừa làm lý thuyết vừa đem áp dụng lý thuyết vào hành động, lòng riêng cảm phục và những ước ao được biết lý thuyết và hành động của ông ra sao?

Đến năm 1963, thấy một số sách bày bán ở các tiệm sách Sàigòn, tôi vội mua mà đọc nghiến ngấu, chẳng hiểu gì lắm, mơ mơ hồ hồ như đi trong chiêm bao, song vẫn thấy thích thú trước những cảnh lạ kỳ do cảm quan trực giác đưa đến hơn là trí giác. Nhất là tập thơ Đạo Trường Ngâm này. Tứ thơ tân kỳ, vòi vọi, mênh mông, ý thơ sao già cỗi đắm trong khắc khoải bi hùng. Tình thơ đậm đà nồng nàn nghĩa quốc gia hồn dân tộc. Khí thơ vững chắc mạch lạc. Từ cách bố cục, cách gieo vần, mỗi bài mỗi câu, mỗi tiếng chất chứa như căng phồng lên. Như đã nói, tôi ít hiểu bằng lý trí mà chỉ cảm chiêu mơ hồ. Tôi tìm người để hỏi, ít ai đã làm tôi được mãn ý, nhiều người lại tránh không trả lời, có người lại nói vòng quanh như công án, nhiều người giải thích còn bí hiểm hơn cả bản chính văn với những ngôn từ đầy tiếng Hán Việt lạ lẫm…

Rút cục, tôi đi đến kết luận: Kẻ cầu học cũng như người giảng huấn cùng mơ mộng như nhau, ngay cả lời chú thích trong bản in cuốn Đạo Trường Ngâm cũng giản ước quá không đủ làm rõ ý nghĩa câu hay bài thơ trong sách.

Cho đến một hôm, có nhân thì duyên đưa tới, gặp được ông Mẫn Cầu qua vài câu chuyện bàn tán về truyện cổ tích, về ca dao, tôi gặp được tri âm! Chẳng mấy nỗi mà thanh khí ứng cầu. Tôi đem thơ Thái Dịch ra hỏi. Ngần ngừ đắn đo mãi, ông Mẫn Cầu đưa cho tôi bản cảo viết trong 9 tập giấy học sinh 100 trang mà nói: “Tôi vì yêu thơ tác giả Thái Dịch mà mạo muội cố làm trong miễn cưỡng. Sức học tôi rất hạn chế mà cái nhìn của tôi lại càng nông ngắn. Vậy mà tôi cố làm vì chẳng có ai làm âu cũng là liều, cố công dọn cỏ đất hoang, cho người đến sau sửa sang làm lại mà cày bừa gieo gặt, tôi không dám nghĩ sự khen chê nói chi quyền lợi công sức. Yêu quí tác giả mà làm, nghĩ đến các bạn trẻ mà làm… Anh đọc đi, nếu cần cứ sửa giùm và nếu có thể cho vài ý kiến.”

Và tôi đã đọc, đọc cẩn thận, đọc thích thú. Ông Mẫn Cầu chỉ chú giải mà ít bình luận. Sửa thì không dám, góp ý thì xin vâng. Gọi là cũng cố gắng gồng sức lên mà làm cái chẳng thể đừng. Làm thân dây leo bám vào cây lớn mà lên được đến đâu thì mừng đến đấy.

Từ định nghĩa mỗi tiếng, giảng giải ra đến chú thích điển cố giúp tôi tạm hiểu tác giả ở mỗi câu. Từ bàn về mỗi câu đến luận về cách bố cục mỗi bài, cách dùng tiếng, dùng vần của tác giả, ông Mẫn Cầu đã làm rõ ý tác giả, về kỹ thuật về nghệ thuật đặc biệt khác thường.

Còn nói chi về tứ, ý qua về tính, tình, trí, khí, tâm tư của tác giả, ông đã cố gắng đi vào khối tâm lý rất ư là phức tạp, của một người có cái biết rộng, sâu, mới lạ, tự coi mình là thánh vương, sinh nhi tri ấy. Ông Mẫn Cầu có đạt ý tác giả Đạo Trường Ngâm được không, như đã nói, tôi không biết. Tôi chỉ hay là nhờ bạn luận mà tôi hiểu tác giả Đạo Trường Ngâm thêm nhiều, do đó tôi không thể không tỏ ý cám ơn nhà chú giải được, nên có những dòng này gửi đến ông vậy.

Còn tác phẩm Đạo Trường Ngâm, và tác giả Thái Dịch tự nhiên đã có giá trị nội tại. Và giá trị trên văn chương, trên văn học hay văn hóa nước nhà thì còn tùy thuộc ở quốc dân trong nhiều lãnh vực: triết học, sử học, chính trị, cách mệnh, văn hóa nữa chứ không riêng gì về văn chương. Tôi không là người có đủ tầm vóc với tới để dám nói gì thêm. Ngay cả việc nói leo dây cũng là múa rìu qua cửa Lỗ Ban. Vì yêu quý nhà chú giải, tôi làm cái việc không thể đừng mà thôi vậy. Xin tác giả Đạo Trường Ngâm hay tác giả chú giải hiểu mà thứ cho tôi đã dám làm cái việc quá sức mình.

Nay kính bạch,
Lạc Nguyên Chương (Thái Cương)
Bắt đầu chép: 4 – 3 – 2003
Chép xong: 15 – 6 – 2003

———————————————————————————————————————————–

LỜI NGƯỜI CHÚ GIẢI
NỖI LÒNG KẺ TÌM THƠ

(Tầm Chương ký)
Mẫn Cầu

Không hiểu là duyên hay nợ? Đọc cuốn thơ Đạo Trường Ngâm của tác giả Thái Dịch tôi thấy tâm hồn như bị lôi cuốn bởi một sức mạnh quyến rũ nào đó! Thậm chí khiến mình ham mê, thích thú đến độ say sưa. Tại sao vậy? Điều đó thấy khó nói: Bởi nó là thơ, là chữ, là câu, là luật lệ, là vần điệu. Mình có thể đọc được thơ. Vì thơ là tiếng nói của tâm hồn, nhất là tâm hồn tác giả Đạo Trường Ngâm. Một tâm hồn đối với tôi thật là lỗi lạc, siêu việt. Tác giả dùng thơ để phô bày cái vi diệu của nỗi lòng thầm kín, hoặc nói lên cái nguyện vọng thiết tha của mình, hoặc trình bày một chân lý, một tư tưởng, một triết thuyết mới mẻ nào đó; cố nhiên với óc tổng hợp, thâu thái từ những thế hệ triết học Âu, Á, tinh thần đạo học Đông Tây, khoa học, văn học và sử học Đông Tây, kim cổ. Từ những ý nghĩa trong truyện tích, điển cố, huyền thoại, cả những lời sấm (chữ một, nghĩa mười). Những ý nghĩa nằm bên ngoài từ ngữ (ý tại ngôn ngoại). Cả những ý nghĩa trong văn chương bình dân, trong ca dao tục ngữ, những tiếng mẹ đẻ từ cổ xưa đều được thâu nhặt, nhào nặn cô đọng vào trong những từ ngữ đúc nên những câu tân kỳ sâu sắc. Tập Đạo Trường Ngâm là cả một khu rừng tinh hoa muôn màu muôn vẻ. Trong khu rừng chữ nghĩa như vậy đó, trong cái bể học mênh mông như thế kia, tôi chỉ là một thằng ngố đi lạc vào rừng, đã ngây ngô không biết lối ra mà lại còn muốn đếm xem có bao nhiêu chiếc lá cây! Hoặc cũng như lạc xuống bể sợ chết đuối mà lại còn muốn lấy vỏ sò toan lường khối nước bể. Ấy thế mà con dã tràng cứ quần quật mãi không thôi! Nghiệp vốn dĩ vậy chăng?

Nói rằng mù tịt chẳng hiểu gì thì không đúng; nếu không hiểu tí gì thì lấy gì làm say mê? Nhưng nếu bảo lấy sức hiểu biết bằng trí giác, thì lại cũng không đúng nữa, vì kẻ thất học này đào đâu ra trí giác? Vậy có lẽ là bởi xung động trực giác do cái khí mạnh của thơ toát qua những tiếng nói của tình yêu nước thương nòi, của tinh thần quốc gia dân tộc, của trí quật cường siêu việt nó khơi động bầu tâm huyết của mình nên có sức cảm hóa tự nhiên như vậy. Còn như cứ miệng đọc lòng suy, thì có bù đầu choáng óc cũng chỉ luẩn quẩn, loanh quanh không vượt ra ngoài miệng giếng của đôi mắt ếch nhìn trời. Khổ nỗi bỏ thương vương tiếc: “Khạc chẳng ra cho, mà nuốt chẳng vào”, một dây một buộc không gỡ sao ra được, nên đành nhận đó là duyên nợ tiền kiếp của mình. Thế thì hãy cố gắng đeo đẳng mà tìm hiểu dần dà vậy.

Việc học hỏi tìm hiểu thơ Thái Dịch đi liền với việc tìm bữa ăn uống hàng ngày trong đời sống tầm thường của tôi năm này qua năm khác. Lắm lúc cũng thấy phấn khởi, thích thú, nhưng có khi chán nản, bực bội. Song nghĩ cho kỹ ra thì cả hai trường hợp đều hữu ích cả, vì nó trở nên bài học thực tế rất quý giá giúp mình kinh nghiệm về thế cố nhân tình.

Trong lúc tìm thày học đạo, tất nhiên phải tìm đến các bậc học rộng tài cao, để cầu mong sự chỉ giáo, nhưng thực tế đã trái lại với điều mong ước của mình. Các bậc học rộng tài cao nói toàn tiếng nói của tài cao học rộng, tiếng nói bác học khó lọt vào lỗ tai bình dân, thế là mình muốn gỡ ra khỏi cái khó này lại bị buộc thêm vào cái khó khác, có khi còn khó gấp mấy lần! Có người chẻ cái tóc ra làm tư để giải thích dẫn ý thơ vào bát trận đồ, để rồi lúng túng không tìm thấy đường ra; có người thần bí hóa ý thơ, nếu có yêu cầu giải thích thì sẽ được nghe câu “Thiên cơ bất khả lậu” cứ việc chắp tay kính cẩn mà tôn sùng thôi!

Tổng kết lại: Bàn đến thơ Thái Dịch ai cũng nấy đều trầm trồ ca tụng là hay. Nhưng nếu hỏi chi tiết về những cái hay như thế nào thì dường như mỗi người đều thấy một cái hay khác nhau mà ít ai muốn cho người khác rõ được cái thấy, cái biết của mình. Do đó mà việc tìm thày học đạo của tôi đã gặp những khó khăn. Lòng tin tưởng vào những thần tượng để rồi thấy những thần tượng đó mờ dần theo năm tháng, dẫn mình đến thất vọng. Trong lúc ấy có một số bạn bè mà chưa bao giờ tôi định hỏi họ thì bất ngờ họ lại khơi dậy sự hiểu biết cho mình. Họ yêu cầu tôi viết ra những điều mà tôi đã tìm hiểu về thơ Thái Dịch để trên cơ sở đó cùng nhau tìm hiểu rộng ra thêm. Do đó mà tôi thấy phấn khởi và thích thú quyết tâm viết bản chú giải này. Mặc dầu cũng có bạn bè dè dặt lại khuyến cáo tôi không nên làm cái việc đánh trống qua cửa sấm vì nếu mình làm sai, người khác sẽ theo cái sai của mình làm lệch lạc đi, làm mất cái oai quyền của lôi đình, ấy là đắc tội với tác giả.

Chúng tôi nghĩ rằng: Đánh trống không có nghĩa là muốn tranh trống, tranh oai với cửa sấm; cũng như chẳng ai ngu gì mà nghe mấy anh xẩm nói: Con voi là cái cột, là cái chổi, cái quạt hay con đỉa. Vì con voi bao giờ cũng là con voi. Việc chúng tôi tìm hiểu thơ Thái Dịch viết nên lời chú giải một số những câu chữ khó, những từ ngữ lạ, những điển cố xưa trong văn chương để cùng với một số bạn bè cùng trình độ tham khảo với nhau để tiếp tục tìm hiểu mà thưởng thức áng thơ hay. Làm thế tuy miễn cưỡng nhưng bỏ được cái thói ỷ y nhờ người khác làm cho mình.

Các vị thức giả từ bao lâu vẫn im hơi lặng tiếng…? Chúng tôi làm thế còn có mục đích để làm “động chà cho cá nhảy”, có đưa ra những cái sai để cho ai đó thấy được cái sai mà sửa chữa, còn hơn là để viên ngọc quí mặc cho cát bụi thời gian vùi lấp đi, như vậy phải chăng là thái độ của người gìn vàng giữ ngọc?

Ý kiến và hành động thô thiển của chúng tôi do lòng sốt sắng liều lĩnh, mong các bậc cao minh lượng tình thứ lỗi và cảm thông chỉ giáo cho chúng tôi, chân thành cảm tạ.

Trân trọng,
Người chú giải
Mẫn Cầu

—————————————————————————————————————————————-

TÌM HIỂU THƠ LÝ ĐÔNG A

Mẫn Cầu

Những nhà thám hiểm trèo núi muốn đem sức lực nhỏ nhoi của con người ra mà đương đầu để tìm hiểu, khám phá công trình bí ẩn của thiên nhiên. Họ muốn đích thân thấy rõ những ngọn núi: Ê-vơ-rét, Hy Mã Lạp Sơn, Phú Sĩ là những núi cao nhất thế giới mà từ trước đến nay ít ai dám nghĩ đến chuyện leo trèo mạo hiểm, mặc dầu nhiều người từng nghe danh, đã từng ca ngợi những kỳ công huyền diệu này của tạo hóa.

Đứng trước cái lớn lao hùng-vĩ của thiên-nhiên, sức nhỏ nhoi của con người đáng kể vào đâu, điều đáng kể ở đây là cái ý chí muốn tìm tòi, khám phá để hiểu biết vậy.

Không dám so sánh trời với vực, giữa chuyện thám hiểm trên núi với ý định cố gắng đem cái hiểu biết quá nông cạn của con người quê mùa ra để tìm hiểu về tập thơ của tác giả XY Lý Đông A. Bởi tác phẩm này là [do] một thiên tài lỗi lạc, một kiệt tác kỳ công mà trước đây tôi đã từng nghe không ngớt những lời ca tụng, dù chỉ là những lời trầm trồ xuýt xoa của những người đứng ngoài cung tường dòm ngó, chứ chưa ai dám mạnh dạn “đăng đường nhập thất” để đích thân thấy được những cái quý giá còn ẩn tàng trong tòa lâu đài hùng tráng ấy.

Xin thú thật tôi đã rụt rè đôi ba lần muốn đánh bạo bước lên thềm… Cho đến hôm nay phải đem bài học “thám hiểm trên núi” ra học. Để võ trang tinh thần cho mình có một tư thế “chân cứng đá mềm” để hăng hái bước lên đường đi tìm hiểu thơ của XY Lý Đông A.

Trộm nghĩ rằng: Muốn tìm hiểu về tác phẩm, điều kiện tiên quyết là phải tìm hiểu tác giả. Vì người làm sao bào hao làm vậy. Người là thơ, hay thơ là người cũng vậy, nói một cách khác, thơ là tiếng nói của tâm hồn mà tâm hồn là nguồn gốc của tư duy, của ước mơ, của khát vọng và phát kiến. Tìm hiểu thơ tác giả chủ yếu là nêu lên một số đặc trưng ở mỗi khía cạnh tâm hồn, vì chính những tâm tư kia là nguồn suối của những dòng thơ tuyệt diệu ấy.

Có thể hiểu con người của tác giả qua ba khía cạnh: “Tính”, “Tình”, “Chí” trong cơ thể thống nhất của tác giả, gồm cả ba đặc tính phi thường như sau:

I. “TÍNH”

1/ Tiên Tính: Tiên tính là tính thiên mệnh. Tính của thần tiên, là một đặc tính không sống chết, là tinh thần thông minh, hạo nhiên, thanh hư, huyền diệu vân vân. Đặc tính này đã thể hiện qua lớp người Việt trước như:

–  Tản Viên Sơn thánh

–  Tiên Dung công chúa

–  Chử Đồng Tử

–  Liễu Hạnh

(Tứ bất tử: Theo Lĩnh Nam Trích Quái là: Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Trương Chi, Tản Viên).

2/ Long Tính: Long tính là tính Rồng. Đặc tính này là đức tính: uy nghi, dũng mạnh, tiến hóa phi thường. Qua câu:

Vết phấn đấu như Rồng bay tuyệt cắng

Tài lược thao cái thế có ai đương

3/ Nhân Tính: Nhân tính là tính loài người, ở nơi tác giả là đặc tính siêu nhiên, đặc tính này tổng hợp cả hai đặc tính trên (Tiên + Rồng). Con người thống nhất toàn diện, có sức tập trung và phổ biến cả văn của Tiên và vũ của Rồng.

Tính là vật vô hình. Tìm hiểu tính của tác giả qua ba khía cạnh đã ghi ở trên. Đặc tính thứ ba là “nhân tính” đó là đặc tính “nhân chủ” làm chủ thể trong con người của tác giả, điều này đã hiển nhiên. Về đặc tính thứ nhất và thứ hai từ biểu tượng Tiên – Rồng làm căn cứ mà tìm ra những nét đặc trưng của đặc tính.

Tuy nhiên trên kia mới chỉ nêu lên đại khái về khía cạnh “tính chất” chứ chưa nêu lên phần “lý tính” của biểu tượng, nên ghi thêm như sau:

TIÊN:

–  Là siêu hình, lý của nó thuộc hình nhi thượng học.

–  Là tinh thần, căn cứ tối cao của Duy Tâm phái, có Duy Tâm biện chứng.

–  Là âm nghi: một trong hai nghi nằm trong lý Thái cực của Dịch lý.

–  Là “Thiên” (trời) một trong ba tài (Thiên – Địa – Nhân) do tài nhân làm chủ trong triết lý “tam tài”.

RỒNG:

–  Là vật hữu hình, lý của nó thuộc hình nhi hạ học.

–  Là vật chất, căn cứ tối cao của Duy Vật phái, có Duy Vật biện chứng.

–  Là dương nghi: một trong hai nghi nằm trong lý Thái cực của Dịch lý.

–  Là “Địa” (đất) một trong ba tài do tài nhân làm chủ trong triết lý “tam tài”.

Qua sự tìm hiểu về tính của tác giả: Bằng nhân tính chủ đạo để hội tụ mọi cái “duy”, cả tâm lẫn vật vân vân.

II. “TÌNH”

Tình ở đây là tình yêu thuộc loại “đại từ bi” của Phật Thích Ca:

Khối tình yêu thiên cổ dòng Kim cương,

Ngày thai sinh nhưng chọn chốn quê hương

Yêu dân tộc, yêu tổ quốc, yêu nhân loại, yêu muôn loài, và yêu cái đúng thật, cái tốt đẹp. Quả là mối tình yêu cao cả, bao la và thật là tha thiết. Thậm chí thấy dường như tác giả đã đem cá thể của mình hòa tan vào với đối tượng yêu thương.

Ta hãy nghe:

Tình yêu thương những ngày thiên mệnh sớm

Vì giống nòi trút lại chẳng tơ vương

III. “CHÍ”

Nói đến chí của tác giả: “Chí thánh hành chữ vương” khó có thể dùng ngôn từ lời lẽ nào để diễn tả cái chí hướng muốn lập tâm cho vũ trụ, lập mệnh cho nhân sinh, thanh lọc tam giới, cuối cùng “Đem cả muôn loài lên Duy Nhiên”.

Qua tìm hiểu nhận xét thật cơ bản về tác giả, ta đã nêu lên được một số nét đặc trưng làm kim chỉ nam để tìm hiểu về thơ.

Mẫn Cầu
__________________________

Ghi Chú:

Trong Lời Người Chú Giải, sau tên tác giả Mẫn Cầu, không thấy ghi ngày tháng.

Chúng tôi nhận được bản chép tay của ông Lạc Nguyên Chương (Thái Cương) từ Úc châu gửi cho. Sau đó ông Đinh Khang Hoạt (Thái Việt Duy Khang) đánh máy lại.

Học Hội Thắng Nghĩa hiệu đính và ấn hành bản điện tử từ bản đánh máy.

Ông Lạc Nguyên Chương có ghi bắt đầu chép là ngày 4 tháng 3 năm 2003, và chép xong ngày 15 tháng 6 năm 2003 (có lẽ tại Úc châu nơi ông Lạc Nguyên Chương định cư), nhưng cũng không ghi rõ tác giả Mẫn Cần hoàn tất tập Giải thích thơ Lý Đông A này vào năm nào. (ĐVH)