Lời kể của ông Đặng Đình Tất
về Duy Dân và Lý Đông A
Năm 1944, tôi được giới thiệu về Z (Duy Dân) qua một người bà con ở Chương Mỹ, cách Yên Thành, Yên Phúc ba cây số. Người này đã biết Duy Dân qua ông anh nhưng chưa hoạt động gì.
Tháng 2, 1946, tôi đang học Chu Văn An, lớp đệ Lục, Hà Nội rất lộn xộn. Đi xe điện đến Đông Dương Học xá thì thấy khẩu hiệu viết trên tường, đả đảo Việt Minh bắt thầy Nguyễn Gia Tường bất hợp pháp; rất nhiều khẩu hiệu trên tường vào học xá.
Cụ Nguyễn Gia Tường bị bắt vì tham gia phong trào Ngũ Xã, trung tâm phe quốc gia chống Việt Minh. Cụ Nguyễn Gia Tường cầm đầu cuộc biểu tình yêu cầu Hồ Chí Minh mời Bảo Đại ra trao trả quyền hành để thống nhất chuẩn bị chống Pháp. Chúng tôi đang học, cán bộ phe quốc gia đến yêu cầu bãi khóa, phản đối Việt Minh đàn áp phe quốc gia. Một sinh viên Hà Nội, Phan Thanh Hòa, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên, đứng ra triệu tập thanh niên học sinh, sinh viên, đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai phe quốc gia và Việt Minh; có sự tập họp học sinh lại, có cán bộ quốc gia đến kêu gọi.
Tôi có người anh, Đặng Đình Khiến, theo Việt Minh; còn tôi tập trung đi học, nghe ở Quan Thánh có… chống Việt Minh. Hồi ấy anh Trần Thanh Hiệp cũng tham gia bên Quan Thánh. Ngay lúc đó, tờ báo Cờ Đỏ chạy tít ngang trang đầu: phải tiêu diệt bọn Trotskit. Phe Quốc gia làm tờ Chiến Luận. Sau đó có lệnh di tản. Về quê, Việt Minh đến bắt ông anh khác của tôi theo Duy Dân. Gia đình tôi có gia thế trong vùng. Cả làng theo Công giáo toàn tòng, riêng gia đình tôi thì không. Ông anh này của tôi đã hoạt động Duy Dân, Chi bộ 002. Tôi nhanh chóng thu thập tài liệu Duy Dân đem đi; thấy thế, nó bắt tôi đứng lại, nhưng tôi chạy thoát. Sau đó quay lại xem tình hình thế nào thì nó bắt tôi luôn, nghi tôi là Quốc Dân Đảng.
Lúc đó Việt Minh đang mở chiến dịch thanh toán tất cả những ai tình nghi chống cộng sản. Nhờ có người trong họ can thiệp nên tôi bị đưa ra tòa ở Hà Đông chứ không bị bắt mang đi thủ tiêu như nhiều người khác. Tôi bị án tù ba năm, anh tôi hai năm. Tháng 11, 1946 bị đưa lên Phú Thọ. Sau đó thấy nhiều người cũng bị đưa lên: Lê Ninh (Lê Khang), Nguyễn Tường Thụy (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam, anh của Nguyễn Tường Tam), Bạch Thái Tòng, Phan Thanh Hòa (bị thủ tiêu trước Tết, đầu 1947). Sau đó tôi bị đưa lên Yên Bái, gặp các anh em thuộc nhóm ở Ôn Như Hầu được đưa về từ Thanh Hóa. Trong đó còn có nhóm Lục quân Yên Bái (do Trương Cao Phong – người Nhật lấy tên Việt) tổ chức, đã chạy sang Tầu, lại nghe lời Việt Minh quay về, bị bắt. Trong số anh em Duy Dân có ông Nguyễn Hữu Lẫm (sau có tập thơ “Dưới Thời Binh Lửa”, lấy hiệu là Việt Sỹ). Có đoàn chính phủ đến thanh tra trại giam do ông Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư Pháp, dẫn đầu. Ông Khánh cùng học luật với ông Nguyễn Hữu Lãm (còn gọi là Lẫm), nên ông Lẫm được tha về. Trong đợt này tôi nghe nói Việt Minh thủ tiêu trên dưới 500 người. Ông anh tôi chết vì bệnh. Tôi lại bị đưa về Phú Thọ. Một hôm trốn chạy thoát được. Đến 1948 tôi về lại Hà Nội. Tết 1949 về làng, sau đó ra lại Hà Nội.
Ông Hùng Giang, ông Chính Bằng (Phạm Văn Bằng) cùng giam ở Hà Nội với tôi trước đó, lúc đó đang ở Hà Nội. Cuối 1949 tôi gặp cụ Thái Nhân đang ở Hà Nội, do Chính Bằng liên lạc. Cụ Thái Nhân cho người bảo đến gặp, và bảo đến ở đó luôn đến 1950. Chính Bằng huấn luyện tôi về Duy Dân bảy ngày, mỗi ngày một tiếng.
Về cụ Lý: tôi ở gần cụ Đồ Mạnh (Phạm Văn Mạnh), được mọi người gọi là cụ Đồ Bẩy, bậc cha chú của cụ Lý, đã tham gia nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp, hướng dẫn Lý Đông A về phong thuỷ theo triết lý Đông phương. Ông Khang, ông Nguyễn Quang Doãn (còn viết là Dzoãn), cháu cụ Lý (gọi cụ là chú) cho biết có người Tầu nó nói xoay hướng mảnh đất. Có lần cụ Đồ Mạnh điểm long mạch, táng sống cụ Lý. Lúc Lý Đông A ở Tầu về, có nói với cụ Đồ Mạnh tìm chỗ cho cụ ẩn vì Việt Minh sẽ lên. Chỉ mình ông Tiết, con thứ hai của cụ Đồ Mạnh biết chỗ ở của Lý Đông A. Lý Đông A đặt tên cơ sở Duy Dân ở đồi Nga My là thí nghiệm giáo dục trường. Tôi có tham dự một số lớp huấn luyện ở đấy.
Còn nhớ có anh Đoàn Viết Biên ở Mai Lĩnh cũng theo học, rồi bị bắt ở Nga My. Văn Tiến Dũng cho quân đến vây, ông Lý Đông A lên nói chuyện, nói không có tham vọng lãnh đạo, ai làm được thì nhường.
Về chiến khu Hòa Bình: Cụ Thái Nhân kể trước cuộc chiến ở Hòa Bình, Lý Đông A họp các trưởng chi bộ, ông không muốn có trận đánh với cộng sản ở Hòa Bình. Ông Đức Kính trắng thuộc phe quân sự, nhất định đòi đánh, đứng ra kêu gọi lập đội quân chống cộng sản ở Hòa Bình. Lý Đông A nói nếu thất bại, đừng tìm ông nữa.
Khi tôi tù ở Hà Nội, có một anh ở Hòa Bình cùng giam, nói: tại trại giam Hòa Bình, tù nhân phá trại giam, có một số chết. Sau này tôi đọc báo của Vũ Ngọc Các (báo Dân Chủ), thấy bài của Mặc Đỗ kể lại truyện tù nhân Hòa Bình phá trại giam do Lý Đông A chỉ huy. Sáng ra thấy 17 xác chết, nhưng không thấy Lý Đông A [1].
Đặng Thị Dung (bà Giáo) là người gặp Lý Đông A lần cuối ở Hà Nội. Khi ở Hòa Bình, ông ở nhà ông Đinh Công Lâm; sau sợ lộ, sang ở nhà Đinh Công Phủ; lại sợ lộ, lại đưa đoàn Lý Đông A đi chỗ khác [2]. Bà Dung kể lúc đó có tay nải rớt xuống đất bị ướt, tối phải hơ cho khô. Bà phải đi tránh Việt Minh, khi quay lại lấy tay nải thì đoàn của Lý Đông A đã ra đi rồi.
Đầu 1964, sau khi ông Diệm đổ, tôi lên gặp Đinh Công Lâm ở Dak Lak. Lâm kể là Đinh Công Thái, người trong họ, khi Pháp chiếm Hòa Bình có tham gia trong đoàn lính Mường. Bà cả Chính (có hai con trai theo Lý Đông A bị mất tích) [3], gả con gái cho Đinh Công Thái. Lý Đông A ở nhà Đinh Công Thái trước khi cùng cả đoàn ra đi mất dấu tích.
Ông Loan, anh ruột Lý Đông A có cuốn sách do Lý Đông A để lại. Cụ Thái Nhân không dám dịch sang tiếng Việt, trả lại cụ Loan. Cụ Nhân nói xem thì sợ lắm, chỉ bậc hiền thánh mới hiểu.
Trong số tham gia trận Hòa Bình có anh Lý Quốc Việt, anh con nhà bác của anh Dương Ngọc Dược. Tôi còn nhớ đến cụ Ký Đản theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Trong số xuất ngoại sang Hoa Nam cùng với Lý Đông A cũng có người theo cộng sản. Cụ Ký Đản tính xuất ngoại, nhưng sau thấy đến Hoa Nam thì mọi người giải tán hết nên buồn tự tử. Cụ Ký Đản kể năm 1945, ngày 20/8 giỗ Đức Thánh Trần. Năm đó bão lụt, nửa đường không về được, cụ ghé một ngôi chùa bàn sấm, thấy một anh tên Trản độ 12, 13 tuổi, nói cụ đọc sấm nhầm rồi. Anh ta nói cụ Trạng Trình tính sai mấy năm. Một hôm có hai ông sư hỏi anh Trản đâu rồi (anh Trản vào chùa ở tránh đói). Tuy 12, 13 nhưng anh đã biết hết nho, y, lý số. Có lần ngồi giáng bút, họ thử anh ta xem có biết giáng bút không. Giáng xong, hỏi thì anh ta nhớ lại và đọc vanh vách. Cụ Ký Đản hỏi về Lý Đông A, anh này nhận mình là sư đệ của Lý tiên sinh (sấm Mai Cao Sơn có nói đến việc này). Trong thơ Lý Đông A, bài Vạn Niên Thư có câu “Sáu năm cung kiếm tình nửa gối. Kẻ trước người sau đều đoạn trường”, chắc nói đến người sư đệ này chăng?
Người ghi: Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt
_______________________________
Ghi chú:
Ông Đặng Đình Tất kể qua Skype, ngày 03 tháng 6 năm 2016. Tiếc là chỉ ghi lại chứ không thâu âm.
[1] Đêm 25-4-1947, thừa dịp đoàn cán bộ Huyện ủy các huyện Kỳ Sơn, Lạc Sơn ghé nghỉ chân tại trại giam, rồi Ban giám thị trại giam này tổ chức “liên hoan”. Anh em ta nhờ có ông Đinh Công Tuân liên lạc với chú là Lang đạo Đinh Công Nhân, đã đánh úp và giết sạch bọn chúng, giải thoát cho hơn 200 anh em đồng chí chạy vào rừng.
Sau Tỉnh ủy Việt Minh phải điều lực lượng vũ trang của tỉnh, bộ đội ba huyện: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn; phối hợp với một tiểu đoàn chủ lực của Khu ủy tiến hành truy lùng. Khoảng một chục anh em miền xuôi bị bắt lại, đa số đồng chí Duy Dân đã tập trung lại ở khu vực huyện Lạc Sơn tiếp tục cuộc Duy Dân kháng chiến.
[2] Đoàn người theo Lý Đông A bị lộ sau khi ở nhà Đinh Công Phủ. Qua sự móc nối của Phan Lang, Đinh Công Phủ đã theo cộng sản từ lâu. Chính con trai cả của Phủ là Đinh Công Đốc cầm đầu đội lính tấn công đoàn quân Duy Dân ở Mường Diềm.
[3] Theo một nguồn tin khác thì chỉ con trai cả của bà Cả Chính đi theo Lý Đông A là ông Thái Khôi, không mất tích. Cuốn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, phần 3, mục Hồ Chí Minh, đề cập đến bà Cả Chính và Lý Đông A.
(Cập nhật ngày 07 tháng 05 năm 2020)