Lý Đông A Viết Về Dân Chủ

Trích XUÂN THU, 1943 

DÂN CHỦ

Thanh niên lấy làm vinh dự để nói đến dân chủ. Dân chủ ví như thần thánh “….homo res sancta homini”, dân chủ là hình ảnh giàu có, bình đẳng và khoa học.

Căn cứ của chủ nghĩa dân chủ là chủ nghĩa cá nhân. Cho nên dân chủ chính thể là kết quả chính trị của chủ nghĩa cá nhân đó. Trong nước dân chủ phải có tiền mới bình đẳng và sinh sản phải tùy khoa học phát minh mới tiến bộ. Chế độ tư bản dân chủ cố nhiên khi đầu mới thay thế cho xã hội phong kiến thực là cứu thế, nhưng đi đôi với tiến hóa của lẽ vô thường, từ thương nghiệp tư bản tiến lên công nghiệp tư bản làm cho trong nước giai cấp ly chia và chính trị đảng tranh. Lại từ công nghiệp tư bản tiến lên đến kim dung tư bản, sự cần dùng thị trường nảy nở ra đế quốc thực dân, từ đó đến quân hóa tư bản gieo rắc chiến tranh cho thế giới. Đến mạt kỳ này, chế độ dân chủ xấu nhất, nó làm cho dân chúng linh lạc, cá nhân linh lạc, ở đó mà quốc gia linh lạc.

Sự cần yếu cho tái sinh sản của tư bản nảy nở ra các hình thức bế quan tỏa cảng mới như khối Pound, khối Monroe, khối Yen, và khối Franc càng suy động cái dục vọng diệt chủng vong quốc người khác bằng vũ khí kinh tế, và ở đó chiến tranh; cũng ở đó là nguyên cớ chiến tranh chân thực của kỳ này.

Vật hỏng tất phải chữa. Wallace đề xướng ra lối dân chủ mới trên truyền thống dân hữu, dân hưởng, dân trị cũ của Mỹ. Dân chủ mới có năm điển hình là: chính trị dân chủ, kinh tế dân chủ, giáo dục dân chủ, dân tộc dân chủ và nam nữ dân chủ.

Tất cả các kỹ thuật cần dùng để xây đắp đời mới ấy, tác giả không nói ngoài những phương án hòa bình của quốc tế, nó họa may ấn định được đời sống dân chủ đó.

Thế nhưng dân chủ phải gồm các điều kiện toàn dân trực tiếp, tập trung và chân thực, dân chủ ấy mới có thể vững chắc được. Muốn thế, ta không thể đề xướng ra một chủ nghĩa dân chủ mới rỗng tuếch như trên. Ta phải tìm đến tận cỗi rễ xã hội của nó mà chữa. Cho nên lý tắc của dân chủ là “làm nghĩa vụ đi để hưởng quyền lợi” (droit et devoir). Song ta thấy nghĩa vụ không chiều người. Muốn phục vụ hết nghĩa vụ, không có chỗ để giả nghĩa vụ đó. Cho nên phải có một lý tắc của dân chủ mới: “Có cơ hội đó, làm nghĩa vụ đi để hưởng quyền lợi” (chance, droir et droir ). Tất yếu xã hội phải hoàn thành cái chế độ hiện thực của cơ hội quân đẳng, nghĩa vụ quân đẳng, quyền lợi quân đẳng mới có thể có được đời sống dân chủ trực tiếp, chân thực, toàn dân tập trung, thống quy dưới một hình thái xã hội có lý tưởng, phương châm, tổ chức và quy tắc, nghĩa là phải có một kế hoạch dân chủ, hay là một dân chủ xã hội hóa. 

Xã hội là một tổ chức nhân tính. Sự điều khiển nhân sinh phải bằng một chính trị có một tác dụng tích cực là thiết kế và chấp hành đi đôi với một giáo dưỡng trọn vẹn và đầy đủ, là khởi điểm và chung điểm của cái chính trị đó. Cho nên một kế hoạch dân chủ và một chế độ dân chủ xã hội hóa trọn vẹn là xây lắp trên nền tảng của những nguyên lý và quy tắc của bình sản kinh tế. Chỉ có thế ý nghĩa xã hội hóa mới đạt được những hiệu quả dự định của nó trong phạm vi khoáng đại của nhân loại; có thế, hiệu suất của đời sống loài người mới một ngày một tăng tiến theo cách thức và nguyên tắc của nhân loại học. Chế độ bình sản kinh tế phải phối hợp với một kết cấu xã hội hoàn toàn dân chủ theo hết ý nghĩa rộng của nó.

Dân chủ làm cho loài người bất trị giác thực hành chính trị dân chủ trong cái tinh thần và tác dụng tối cao và sung sướng của vô chính phủ.

Một kế hoạch dân chủ phải làm trên sự phối hợp chặt chẽ cái tinh thần của vô chính phủ, mới là dân chủ của chính mình.

______________________________________________

Trích ĐƯỜNG SỐNG VIỆT, 1945

V. DÂN CHỦ

Một nền Dân Chủ, muốn cho được triệt để, hoàn toàn và chân thực, phải có đủ bốn điều kiện: trực tiếp, toàn dân, thực tại, và nhân chủ.

  1. DÂN CHỦ TRỰC TIẾP

Một nền dân chủ chính đáng phải có ý nghĩa chân thành của nó ở ngay chính chữ Dân Chủ, là dân tự nắm lấy, tự chủ trương lên, không thể do một đảng phái nào làm sai lạc, lợi dụng. Các cơ quan do dân bầu ra phải là chính dân tự chọn, tự cử lên, không thể do người nào trong đảng phái hay bất cứ tổ chức nào xâm nhập đầu cơ lũng đoạn. Đến pháp luật thì phải tự dân sáng chế ra, mà lại có quyền công nhận hay bãi bỏ. Đó là quyền phủ quyết. Nền dân chủ như thế là thẳng tự tay dân chúng nắm giữ lấy gọi là Dân Chủ Trực Tiếp.

  1. DÂN CHỦ TOÀN DÂN

Một nền dân chủ dựng dõi nên là cốt để toàn dân được hưởng. Nó phải thấm suốt đến tận mọi người dân, mà nó phải tự sức toàn dân nắm lấy, chi phối lấy.

Nếu chia dân ra thành từng giai cấp, mà lấy một giai cấp nào riêng biệt nắm giữ chính quyền, đặt định ra pháp luật, thiết định lề lối tổ chức, đấy là độc tài, không phải dân chủ chân chính.

Nếu đặt định ra xã hội giàu nghèo, giành quyền lợi nhiều hơn cho người giàu, để ảnh hưởng của tiền bạc xâm nhập vào chính quyền, thì dù hình thức dân chủ nào, thứ dân chủ ấy chỉ là bị mua chuộc, lũng đoạn, không phải ở toàn dân.

Hoặc lại còn thứ dân chủ nào xây dựng nên do một thế lực đàn áp, bắt buộc dân chúng phải theo, phải hợp vào nền dân chủ ấy, nếu có ý của toàn dân cũng là giả hiệu.

Cho nên Dân Chủ của Toàn Dân không có giai cấp chuyên chính, không có kim tiền lũng đoạn, không có thế lực uy hiếp.

  1. DÂN CHỦ THỰC TẠI

Muốn trở nên dân chủ có thực, có hẳn trên đất đai mình đang sống, thì quyền người dân, chính người dân phải được nắm giữ trong tay. Cái gì bảo chướng thực tế nhất cho sự sống còn, đó là nền tảng kinh tế. Cho nên phải có một tổ chức kinh tế làm sao cho được bình đẳng (Kinh Tế Bình Sản). Mỗi người dân tự mình đã có một sản lượng ngang nhau mới khỏi bị lũng đoạn. Thêm nữa, trên sự tổ chức nên xã hội, sự hợp tác Nam và Nữ cũng là cần thiết. Sự chênh lệch giữa Nam và Nữ, sự ưu đãi riêng biệt phái nào phải gạt bỏ đi. Phải có sự hợp tác giữa Nam và Nữ, thì nền Dân chủ mới có thực tế ý nghĩa được.

  1. DÂN CHỦ NHÂN CHỦ

Một đời sống của con người sở dĩ đáng sống và sống xứng đáng là giải quyết được ba vấn đề: cơ hội, nghĩa vụ, quyền lợi.

– Cơ Hội xảy đến biết đối phó, biết lợi dụng và biết trước mà đón, để nó khỏi lầm lỡ, hỏng việc, sai biệt chương trình đời sống.

– Nghĩa Vụ mọi người dân phải gánh vác đối với xã hội phải sao cho được thấu hiểu, được nhìn nhận một cách thanh thản; nó không thể thành sự ép uổng mà nó cũng không thành một sự buông thả phó mặc.

– Quyền Lợi được hưởng, đáng hưởng, phải hưởng sẽ không vì riêng ai.

Nền dân chủ phải có bảo chướng, phải trên sự giải quyết cho con người trên ba điểm cần thiết: cơ hội, nghĩa vụ, quyền lợi. Mà phải giải quyết ngang nhau cùng một lúc, như chỉ giải quyết có một vấn đề vậy. Thế có nghĩa là cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi ấy phải thống nhất.

Có như thế thì nền Dân chủ ấy mới thực hẳn là dân chủ, một nền dân chủ kết nên do những người dân có đầy đủ quyền năng đối với đời sống mình, đó gọi là Dân Chủ Nhân Chủ.

Nền dân chủ ấy còn phải Nhân Chủ ở chỗ thiết lập loài người ở một bản vị riêng biệt, không chịu sự chi phối của thiên nhiên. Tự loài người có thể tự hiểu lấy đời sống phải sống như thế nào. Cần gì? Làm gì? và Nghĩ gì? Tự mình mình hiểu và nắm giữ, vận dụng hoàn toàn đời sống đó.

Chính trị đặt định nên, chính là để đưa dẫn con đường sống ấy cho phải đường, cho đáng vẻ làm người, giữ được vững vàng lẽ sống, còn, nối, tiến, hoá. Chính trị như thế gọi là Thiết Giáo.

Nền dân chủ mà không thực hiện được bốn điểm kể trên thì không thể gọi là dân chủ được, mà có mang ý nghiã dân chủ đi nữa, thì cũng chỉ là dân chủ ngoài mặt mà thôi. Đó gọi là phi dân chủ và phản dân chủ.

(Nhiên Hòa trích dẫn và in đậm để nhấn mạnh – 1.8.2016)