Tội ác Cộng sản tại đồi Nga My năm 1945
Dương Thanh Phong
Nga My, chiến khu cuối cùng của đảng Đại Việt Duy Dân, đảng trưởng là Lý Đông A tiên sinh, một nhà ái quốc, nổi tiếng vì đã sáng tạo được một học thuyết Lý Đông A để hướng dẫn các chiến hữu đối đầu với bọn Hồ Chí Minh, tay sai của bọn cộng sản Đệ Tam: Lê nin, Staline, quyết đấu tranh dành độc lập và xây dựng quốc gia theo chiều hướng riêng của mình, đã bị bọn Việt Minh bất ngờ tấn công vào cuối năm 1945 ngay sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ liên hiệp đoàn kết quốc gia ngày 2-9-1945 ở vườn hoa Ba Đình, Hà-nội.
Hiện nay ở hải ngoại các chiến sĩ trong đảng Đại Việt Duy Dân đã dầy công sưu tầm, góp nhặt, tra cứu, bổ sung được những phần thất thoát trong học thuyết của Lý Tiên sinh mà in thành sách nhan đề là:
“TRIẾT LÝ LÝ ĐÔNG A”
Biên soạn: Giáo sư Phạm Khắc Hàm, với sự cộng tác kỳ công của các đảng viên kỳ cựu trong đảng Duy Dân. Sách dầy 400 trang. Nội dung: Sáng tạo, ý tưởng mới lạ, triết lý sâu sắc. Lý Đông A tiên sinh quả là nhà ái quốc cương cường hiếm có, một thiên tài lập thuyết hiếm thấy trong nền chính trị triết học Việt tộc.
Học thuyết Lý Đông A sẽ là sách tham khảo rất hữu ích cho các nhà soạn thảo chính sách cho cuộc cách mạng thuần túy dân tộc Việt để thay thế chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản phản quốc hại dân sẽ bị toàn dân tiêu diệt như bọn độc tài Tunisie trong một ngày rất gần đây. Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì đã đến lúc mọi người dân Việt trong nước cũng như ở ngoài nước đang dồn mọi nỗ lực cho cuộc cách mạng dân tộc nói trên cả về vật chất cũng như về trí tuệ. Vì vậy không những chỉ có cuốn TRIẾT LÝ LÝ ĐÔNG A của giáo sư Phạm khắc Hàm mà còn nhiều những cuốn sách khác đã xuất bản với mục đích góp phần vào xây dựng đất nước độc lập thuần túy bản chất dân tộc. Xin nêu ra một vài cuốn đã xuất bản mà tôi biết:
1- Cuốn Triết học Lý Đông A của luật sư Đỗ Thái Nhiên.
2- Bộ sách Văn Hóa Thái Hòa Việt Tộc, gồm có ba cuốn:
– Cuốn một nói về Văn Hóa Đông Nam dầy 650 trang khổ giấy đánh máy.
– Cuốn hai nói về Văn Hóa Việt Nam dầy 650 khổ lớn như trên.
– Cuốn ba nói về Đạo Lý Xử Thế dầy 650 khổ lớn.
Bộ sách này tác giả Việt Nhân Nguyễn Cảnh Hậu đã mất 15 năm trời mới hoàn tất, soạn thảo rất kỳ công, ý tưởng độc đáo, sáng tạo.
3- Bộ sách Tư Tưởng Và Hoài Bão của nhà thơ Dương Thanh Phong, gồm bốn cuốn:
– Cuốn thứ nhất: Thơ đấu tranh “Tình Người Hoả Ngục”, xuất bản năm 2003.
– Cuốn thứ hai: “Chuyện Tình Phạm Lãi Tây Thi hay Giai Nhân Đoạn Trường Khúc”, trường thiên thi phẩm dài 3478 câu lục bát, xuất bản năm 2006. Hai cuốn này viết trong trại tù cải tạo Trảng Lớn, tỉnh Tây Ninh và trại tù Suối Máu, tỉnh Biên Hòa. Viết không bút giấy mực. Sang Mỹ tác giả mới nhớ, viết lại và xuất bản.
– Cuốn thứ ba: “Tập thơ Quốc Hận Lệ Rơi Mấy Hàng”.
– Cuốn thứ tư: “Khảo Luận Về Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Chuyện Tình Phạm Lãi Tây Thi của Dương thanh Phong và những thi phẩm cổ kim khác”. Dài 522 trang, hai cuốn sau viết tại Mỹ, xuất bản năm 2010.
Tác giả Dương thanh Phong mất 35 năm mới hoàn tất được bốn tác phẩm nói trên.
Vì cảm mến và kính phục tấm lòng yêu nước thiết tha, đầy nhiệt huyết với lý tưởng: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, nhân sinh hạnh phúc của Lý tiên sinh cũng như cảm thông được mọi sự can đảm, bền gan, cùng trí tuệ tuyệt vời mà Lý tiên sinh đã thành lập được một đảng cách mạng dân tộc để thực hành hoài bão của mình, dù không thành công cũng được tổ quốc ghi ơn và hậu sinh kính phục và noi gương. Cho nên tôi đã cố gắng nhớ lại và ghi chép những câu chuyện tai nghe mắt thấy về những sự kiện lịch sử có liên can đến trận đánh ở chiến khu Nga My giữa các chiến sĩ Đại Việt Duy Dân và bọn Việt gian Hồ chí Minh vào cuối năm 1945 đầy oai hùng và cũng đầy bí ẩn mà chưa ai từng nói đền một lần. Dù lúc đó tôi còn quá trẻ, 14 tuổi đầu, nhận xét còn hời hợt non nớt nhưng còn hơn là để cho những sự kiện đó mai một với thời gian, cũng như những chứng tích lịch sử trong Đấu Tố Ruộng Đất hay những tội ác tầy trời khác mà bọn cộng sản đã phạm với dân tộc và con người Việt. Dù chúng cố lấp liếm, che đậy, xóa bỏ chứng tích, đến nỗi con cháu các nạn nhân cũng không hề được nghe biết, nhưng cũng không thể không có dò dỉ. Theo những tin tức báo chí hải ngoại mà tôi thường theo dõi thì ngay những đảng viên kỳ cựu hay những bậc trưởng lão trong đảng Duy Dân cũng rất mơ hồ về địa danh “Nga My” ở đâu? Ở bên Tầu hay bên ta? Ở tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam hay ở núi Nga My bên Trung Hoa mà Nữ hiệp Quách Tường, con gái Quách Tỉnh và Hoàng Dung trong Anh Hùng Xạ Điêu của tác giả Kim Dung, đã lập môn phái võ Nga My trên núi Nga My bên Tầu. Thật đáng buồn cho dân tộc ta bị bọn Việt gian Hồ chí Minh bưng tai, bịt mắt suốt chiều dài lịch sử 66 năm qua, có tai như điếc có mắt như mù, có óc không được nghĩ ngợi, suy tư, chỉ biết vô cảm, phục tùng, cam phận trong kiếp nô lệ khốn cùng, đến nỗi bây giờ vẫn còn có kẻ ở hải ngoại này cố quên đi dĩ vãng tỵ nạn, bám lấy đuôi dài kinh tế Xã Nghĩa mà vinh thân phì gia.
Ngày cách Miệng tháng tám ở quê tôi
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, ngày mà bọn Hồ già phô trương là ngày cách mạng thành công, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Nhưng thực chất mà nói thì nó chỉ là cuộc cách miệng của bọn cái bang, dùng miệng lưỡi để lừa bịp nhân tâm, đảo điên thế sự, lợi dụng kẽ hở chính trị, giữa lúc Pháp bị Nhật đảo chính và Nhật lại bị đồng minh Anh Mỹ đánh bại, Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thực ra bọn cách miệng cái bang này đâu có thực lực, chỉ dùng miệng lưỡi đưa đẩy, lợi dụng lòng dân thèm khát độc lập tự do, mong chóng thoát khỏi cảnh “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu” (thơ Phan Bộ Châu).
Ngày ấy tôi mới 14 tuổi, được bạn bè rủ đi xem thiên hạ cướp thóc gạo để phân phát cho dân nghèo ở huyện lỵ Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Hôm đó trời lành lạnh hơi mưa, lại là tháng tám, mùa bão lụt, đường sá lầy lội, vắng teo, đồng áng đầy nước trắng xóa, nông dân không việc làm, đành nằm co ở nhà bụng đói meo, nếu không biết tích lũy lúa gạo trong những ngày mùa. Cho nên hàng năm những người nông dân thường dự trữ lúa gạo để dành ăn cho “tháng ba ngày tám” là những tháng không có việc làm.
Chúng tôi đến chỗ hẹn ở ngay đầu phố huyện đã thấy có mấy người cầm gậy gộc, mã tấu, gươm ngắn, giáo dài, mặt mày hung dữ, đang mồm loa mép giải khích động mọi người đi biểu tình đòi quyền sống, đòi thóc gạo cứu đói. Rồi họ đi trước dẫn đầu, đoàn người đi sau vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo bọn quan lại bán nước hại dân”, “Đả đảo bọn đế quốc Nhật”.
Đoàn người đến trước cổng huyện thì dừng lại. Có một vài người lạ mặt ra hiệu cho mọi người dàn hàng ngang trước cổng huyện. Trước còn đứng xa xa xỉa xói, chửi bới hô khẩu hiệu, múa gậy, múa đao thị uy nhưng không thấy phía quân lính phản ứng gì.
– “Cổng huyện vẫn đóng im ỉm, trên gác cổng ở những lỗ châu mai hình như có mai phục”. Tôi nghĩ như vậy và nói khẽ với anh bạn kế bên. Tôi đưa mắt nhìn quanh, cả bọn ước chừng vài chục người, đa số mặc quần áo rách, khoác áo tơi, còn số khác là học sinh trường huyện, ăn mặc tương đối tươm tất, tò mò mà đến, hiếu kỳ mà đến, vì trường nghỉ hè nên “thất nghiệp” mà đến, nào biết cách mạng, cách miệng gì đâu? Thời đó cả huyện tôi mới có một trường tiểu học. Trường có đủ sáu lớp, từ lớp đồng ấu đến lớp nhất (từ cour enfantin đến cour supérieur, học hoàn toàn bằng tiếng Pháp, học trò lớp nhất nhiều người đã 17, 18 tuổi, có vợ có con). Trường xây ngay bên cạnh huyện lỵ.
Tôi bàn với bạn:
– Hay mình lùi dần đến trường mà nấp, kẻo đạn lỗ châu mai khạc ra thì chúng mình lãnh đủ đấy, cháy thành vạ lây, dại gì!
Thế là bọn học sinh chúng tôi đưa mắt cho nhau chuồn về phía trường học. Một tiếng đồng hồ sau, có anh gan dạ leo qua tường vào huyện thì thấy huyện quan, lính cơ lính lệ, thày thừa, thày lục, thày ký, cậu nho đều biến mất. Thế là cả đoàn người ào vào như nước vỡ bờ, như đàn hổ đói vồ mồi, cái gì cũng cầm, cái gì cũng cướp, cái gì cũng phá, cái gì cũng đập. Đó là cách mạng đấy hở bạn?
– Thì nó là như thế đấy, bạn hỏi tôi, tôi hỏi ai ? Ngàn năm một thuở, chứ bộ! Thôi về đi kẻo người nhà lo. Chúng tôi chán nản bỏ ra về còn nghe văng vẳng bên tai:
Các đồng chí nghe đây:
– Tôi đề nghị cho đồng chí Ất làm chủ tịch huyện Gia Viễn. Tiếng hô nhất trí càng nhỏ dần thì ra chúng tôi đã chuồn ra khỏi khu phố huyện. Tôi cảm thấy lòng nặng nề không thỏa mái, hình như mình đã phạm vào tội gì to lớn, rất mơ hồ, không rõ nét, không cụ thể và cũng không thể giải thích được.
Anh tôi đi làm Cách Miệng tháng tám
Vài tuần sau, ông anh cả tôi, ông Nguyễn hữu Nguộc, lớn hơn tôi khoảng 20 tuổi, bỗng nhiên cao hứng đi đâu chơi mà mấy ngày không thấy về làm cha mẹ tôi buồn phiền, lo lắng. Chị dâu tôi thì lại càng hoảng kinh, các cháu khóc lóc nhớ cha, hỏi mẹ, mẹ chúng cũng đành ú ớ không trả lời được. Vì xưa nay anh tôi đi đâu cũng thường nói cho cha mẹ vợ con biết, nhưng kỳ này, tự biến mất, vô tăm vô tích. Nhất là mùa nước lụt, đi lại khó khăn, mà lại có nhiều tin đồn khủng khiếp lắm, nào là ở làng bên có người bị chặt đầu còn bị treo trên cây đa đầu làng. Ở bến đò Khuốt, gần Gián Khẩu cách làng tôi chừng 6, 7 cây số, ở ranh giới giữa huyện Thanh Liêm, thuộc tỉnh Hà Nam và huyện Gia Viễn thuộc tỉnh Ninh Bình có vụ giết người rất là khủng khiếp. Đang đêm có người lạ vào nhà bắt anh em gia chủ, nhà giầu có, có tiếng ở vùng đó, trói lại cho vào rọ lợn ném xuống sông Khuốt, mãi sau có người chài lưới tìm ra, vớt lên, thịt da đã rữa. Người nhà nạn nhân có báo cách mạng huyện nhưng cũng không có câu trả lời thích đáng. Vì vậy bầu không khí trong vùng rất là ngột ngạt, hoảng sợ, nhất là những nhà có máu mặt trong vùng đều cửa đóng then cài, canh gác cẩn mật, phập phồng lo sợ, họa tai giáng xuống lúc nào không biết!
Dù hoảng sợ đến tột cùng với những tin đồn, nhưng gia đình tôi đành phải chịu trận, bó chân bó tay, vô kế khả thi, chỉ còn cách cho người chở thuyền đi hỏi thăm từng gia đình thân hữu quyến thuộc nội ngoại. Mẹ tôi vốn con người đa sầu đa cảm, lại thương người anh cả vô cùng nên không cầm được nước mắt trước mặt tôi, khiến tôi cũng bối rối, xúc cảm nhưng cố an ủi mẹ.
– Mẹ đừng nghĩ ngợi quá. Con tin anh con đi chơi nên bị kẹt mưa bão không về được. Xưa nay anh ấy có bao giờ như vậy đâu. Con sẽ cố gắng dò la tin tức, mẹ cứ yên tâm, tin con đi mẹ. Mẹ tôi càng nức nở:
– Mình nó lớn nhất, còn các chị con đều là con gái, con lại còn dại quá, nếu anh con có mệnh hệ nào không biết mẹ sống làm sao, hở con? Còn chị dâu con, các cháu?
Tuy nhiên sáng hôm sau, tôi sang nhà ông chú họ, chú Chới, hàng xóm chơi, chú hỏi:
– Sao, nghe nói anh Nguộc chưa về?
– Vâng, cả nhà mất ăn mất ngủ vì anh ấy, mẹ cháu khóc hoài!
– Cách đây một tuần, tôi có thấy anh ấy ở chợ Viến (Uy Tế), hôm ấy mưa to lắm, có lẽ anh ấy vào anh Tờ chơi, rồi kẹt mưa nên bầy tổ tôm hay cờ tướng quên cả về chứ gì. Anh thử lên trên đó tìm xem sao?
Tôi vội chạy về nhà bào tin cho cha mẹ tôi biết và cấp tốc lên chợ Viến (Uy Tế) vào nhà chú Tờ tìm anh, nhưng được biết anh tôi ngay hôm đó đã vào nhà chú Tiếu, Đinh Khắc Tiếu, người chú họ của chúng tôi, cách đó nửa cây số. Tôi lại lóc cóc, đến nhà chú Tiếu và được mọi người cho biết là anh tôi cùng chú Tiếu lên châu Chi Nê cướp chính quyền cho cách mạng cụ Hồ rồi. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì chú Tiếu với anh tôi tuy là chú cháu nhưng cũng ngang tuổi nhau, chơi thân nhau lắm. Vả lại chú Tiếu lấy vợ, con quan lang trên bản Mường thuộc châu Chi Nê, bố vợ giầu có và có uy tín trong vùng đồi núi đó. Nhất là thím Tiếu là con gái cưng của quan lang, vừa đẹp lại vừa “chịu chơi” biết bắn súng, cưỡi ngựa, múa kiếm múa đao rất thiện nghệ. Hai vợ chồng rất tương đắc vì họ cùng có máu “giang hồ”. Bây giờ là thời “hành hiệp, cứu dân cứu nước” lẽ nào không ngứa chân ngứa tay được. Trai thời loạn mà!
Sáng sớm hôm sau, cha tôi sai hai thanh niên lực lưỡng cùng tôi chèo một thuyền nan với cơm nắm muối vừng đủ ăn cho vài ngày, ngược dòng sông Hoàng Long Giang lên châu Chi Nê tìm anh. Khoảng quá trưa thì đò đã đậu ngay trước cổng châu vì nước lụt nên đi nhanh và đến tận cổng dễ dàng.
Chúng tôi vào cổng, có mấy người Mường, rất trẻ cầm mã tấu, kiếm, cung, gậy gộc đứng lố nhố, lộn xộn vô trật tự, ùa ra ngăn chúng tôi không cho chúng tôi vào. Họ tranh nhau hỏi tôi, tôi trình bầy bằng tiếng kinh, họ chẳng hiểu gì nhưng họ cũng tranh nhau nói. Mạnh ai nấy nói chẳng ai hiểu ai, ồn áo cả lên, múa chân múa tay, phồng mang trợn mắt, như sắp muốn xô sát, đánh lộn. Bỗng trong làng có một người đàn bà trạc hơn ba chục ăn mặc theo kiểu người kinh, đeo súng lục, theo sau bốn năm thiếu nữ Mường, trang bị gậy, dao, cung tên. Tôi đoán chắc là thím Tiếu. Tôi vội chạy lên đón chào:
– Cháu chào thím ạ. Người đàn bà dừng lại, cả bọn vây quanh lấy chúng tôi. Bà vui vẻ, thân mật hỏi:
– Cậu là em anh Cả Nguộc phải không? Lâu không gặp, cháu chóng lớn quá.
– Thưa vâng, Ba mẹ cháu cho cháu lên đây tìm anh Nguộc cháu. Vì được các cô ở Uy Tế chỉ lên đây. Tôi lễ phép trả lời. Bà hỏi tiếp:
– Ba mẹ cháu lo lắng lắm phải không, tội nghiệp hai bác! Thím có nói với anh Nguộc và anh Tiếu nên cho người về Uy Tế cho mọi người biết tin, kẻo các cụ lo lắng nhưng có nhiều việc dồn dập nên chưa kịp báo tin. Thật chú thím có lỗi với hai bác lắm! Hôm qua trên tỉnh có gửi điện triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho các chánh phó chủ tịch các châu, huyện, phủ thuộc tỉnh Hà Nam nên anh Tiếu và anh Nguộc đã dùng ngựa lên đường đi phó hội rồi. Còn thím phải ở lại xử lý mọi việc trong châu. Tiện dịp này, cháu ở lại đây chơi, đi săn bắn với thím vài ngày để biết rừng rú, hùm beo, hươu nai và học tập bắn cung, cưỡi ngựa, thích thú lắm cháu ạ.
– Thưa thím, đấy cũng là ước vọng của cháu, nhưng cháu phải trở về báo tin cho cha mẹ cháu biết để cha mẹ khỏi lo buồn, rất tội nghiệp, thưa thím.
Thím thân mật, cầm tay tôi:
– Thôi được, cháu cho thím gửi lời thăm sức khoẻ hai bác. Bao giờ anh Nguộc về thím sẽ dục anh ấy về thăm nhà ngay, xin ba mẹ đừng lo.
Chúng tôi ra thuyền ăn cơm nắm muối vừng xong mới thủng thẳng chèo thuyền trở về nhà thì trời đã gần nửa đêm. Mọi người còn thức, chờ tin tức.
Tuần sau anh Nguộc về, mọi người vui vẻ đón anh. Cha tôi hỏi:
– Con được nghỉ phép mấy ngày? Bao giờ đi? Mẹ tôi cắt ngang:
– Còn đi đâu nữa. Ở nhà với cha mẹ vợ con có vui hơn không? Mẹ nghĩ con nên ở nhà, đừng làm mẹ lo lắng nữa!
Tôi tưởng anh ấy phản ứng mạnh, nhưng không, sắc mặt có vẻ buồn, anh ấy thủng thẳng nói:
– Vâng, con nghe lời mẹ, con ở nhà, con không đi đâu nữa. Nói xong Anh uể oải đi vào phòng trong, đúng lúc đứa cháu nhỏ bập bẹ gọi:
– Ba, Ba ơi, Ba vào ngủ với con!
Hôm sau vào buổi chiều hai anh em ngồi câu cá, tôi khẽ hỏi:
Anh không đi thực à? Tại sao anh có vẻ buồn. Người ta đi làm cách mạng thì vui vẻ và hãnh diện lắm cơ mà. Anh không trả lời, mắt lơ đễnh nhìn mấy cụm bèo trôi, như đang suy tư, khó hiểu. Tôi lại dục:
– Anh nói cho em biết, tại sao? Anh lắc đầu:
– Em không nên biết, em còn non nớt quá, trẻ dại quá, biết nhiều chỉ có hại mà thôi.
Anh toan đứng lên đi về nhà, tôi kéo lại năn nỉ:
– Em năn nỉ, cầu khẩn anh, em không khờ khạo đâu. Từ hôm 19 tháng 8 đến nay em đã thấy và biết nhiều, đã suy tư nhiều.
– Thôi được, anh nói, nhưng em phải thề không được nói lại với ai, kể cả cha mẹ. Phải tuyệt đối bí mật, nghe chưa.
– Em xin thề, tôi giơ tay lên. Và anh kể:
– Cuộc họp khẩn của tỉnh Hà Nam với các cấp chính quyền phủ, huyện, châu trực thuộc tỉnh, khai mạc vào ngày em lên tìm anh ở châu Chi Nê, em còn nhớ không?
– Dạ em nhớ.
– Theo chủ tịch tỉnh Hà Nam cho biết là ở đồi Nga My, thuộc châu Chi Nê, giáp ranh với huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, có cơ sở hoạt động bí mật của đảng Đại Việt Duy Dân, đảng trưởng là Lý Đông A. Chúng thành lập chừng được hơn năm nay. Dân chúng trong vùng thường đến chữa bệnh, học võ và học cả chữ nữa. Có cán bộ trung ương về trực tiếp điều khiển và huấn luyện. Có vũ khí và bí mật huấn luyện quân sự và chính trị. Quân số chính thức chừng vài trung đội. Theo lệnh của trung ương thì đó là mối nguy cho cuộc cách mạng dân tộc mới thành công và cũng là sự phá hoại tính đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ mới hình thành, cho nên chúng ta phải tiêu diệt chúng ngay trong trứng nước và cũng là cảnh cáo ý đồ bán nước của những đảng phái phản động khác.
Sau đó đến phần thảo luận thì đa số đại biểu đều đồng ý nhất trí cao là quyết tiêu diệt hết quân phản động đó. Chủ tịch tỉnh lên tiếng:
– Việc này thuộc địa bàn hoạt động của châu Chi Nê, vậy tôi đề nghị các đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch châu Chi Nê cho biết ý kiến quyết định và lập kế hoạch hành quân tiêu diệt địch. Anh kể tiếp:
– Chú Tiếu là người võ biền thích đánh lộn, lúc này cũng thấy lúng túng, vì bầy binh bố trận chú ấy chưa từng nghe đến bao giờ nên đưa mắt nhìn anh cầu cứu. Anh vẫn giữ im lặng từ lúc bắt đầu cuộc họp đến bây giờ vì có nhiều ý nghĩ tương phản với họ nhưng không dám nói ra. Anh vẫn im lặng. Ông Tiếu phải lên tiếng:
– Thưa các đồng chí, đánh thì nhất định phải đánh nhưng chúng tôi nhà quê nhà mùa chưa từng chiến trận và nhất là thảo kế hoạch hành quân thì lại càng mù tịt.
Chủ tịch Hà Nam:
– Chuyện ấy chẳng khó nhưng còn đồng chí Nguộc, phó chủ tịch châu Chi Nê nghĩ thế nào?
– Thưa các đồng chí, nhất trí thì nhất định phải nhất trí cao, nhưng cũng như đồng chí Tiếu đã nói, chúng tôi vốn là nông dân, quanh năm vai vác cầy tay giắt trâu, đâu dám lạm bàn đến việc giết địch chiến thắng. Nhưng nếu được các đồng chí rộng lượng cho phép được nêu thắc mắc, thì tôi xin có ý kiến như sau. Bác Hồ mới tuyên bố danh sách chính phủ liên hiệp lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như sau:
1- Chủ tịch nước là Hồ Chí Minh.
2- Phó chủ tịch là Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Quốc Dân Đảng.
3- Cố vấn là VĩnhThụy, tức là vua Bảo Đại thoái vị vì Ngài muốn làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ.
4- Bộ trưởng ngoại giao, Nguyễn Tường Tam, Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Và nhiều những vị bộ trưởng thứ trưởng đều là những người trong đảng phái khác cả, nay ta đem quân đánh đồi Nga My, nơi hoạt động của đảng Đại Việt Duy Dân thì ta có phá hoại tình đại đoàn kết mà Bác Hồ đã xây dựng không? Kính mong các đồng chí giải thích cho tôi để mở cái ngu của tôi, thì tôi rất đội ơn các đồng chí nhiều lắm. Nhất là sau này Bác Hồ hỏi tội thì ai là người chịu trách nhiệm vụ việc này? Vả lại hiện tại chúng tôi phải trả lời dân địa phương của chúng tôi như thế nào? Nếu có người hỏi đến? Chúng tôi xin cám ơn các đồng chí!
Hội nghị im lặng không ai nói gì. Không khí rất là nặng nề, khó thở, hình như ai cũng thắc mắc nhưng không ai dám đặt thẳng vấn đề. Mấy phút sau, chủ tịch mới lên tiếng trấn an nhưng thực ra chẳng trấn an được ai cả.
– Câu hỏi rất hay! Nhưng đây là lệnh của Trung ương, tất nhiên Bác Hồ chỉ đạo rồi, tất nhiên phải có sự ứng phó hữu hiệu. Đây là chuyện ngoại lệ. Chúng ta chỉ việc tuân hành, tuyệt đối không được nghi ngờ. Phải tuyệt đối tin tưởng ở lãnh đạo. Các đồng chi rõ. Mọi người như cái máy, đều hô to:
– Rõ.
– Hội nghị giải tán, Các đồng chí ở châu Chi Nê phải đặt kế hoạch tấn công và định ngày hành quân, phá tan và diệt hết bọn phản động đồi Nga My.
Và anh tiếp kể:
– Khi về đến châu Chi Nê, anh làm đơn xin nghỉ bệnh dài hạn vì bị bệnh sốt rét ngã nước cấp tính, chú Tiếu phê “thuận” và gửi báo cáo lên tỉnh “để kính tường”. Mọi việc lo xong anh mới yên tâm trở về nhà.
Trận Đánh Đồi Nga My
Từ khu rừng châu Chi Nê thuộc tỉnh Hà Nam chạy dài cho đến một nhóm đồi đất thấp và trọc, đó là đồi Nga My. Dưới chân đồi là những làng xóm quần tụ rải rác dọc theo đồi. Đất cằn cỗi nên dân trong vùng thường trồng khoai mỳ, khoai lang, đậu phụng… Dân làng đa số là người kinh, sống về nghề nông, chất phác, cần cù, ít học. Phía dưới đồi là những cánh đồng chiêm phì nhiêu. Có con sông xuất phát từ khu rừng Chi Nê chạy qua về đến chợ Viến (làng Uy Tế), chợ Đế, (làng Đế), chảy vòng lên phủ lỵ Nho Quan rồi đổ về Trường Yên, ở đây con sông này có tên là Hoàng Long Giang, vì khi cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh sau khi giết trâu của chú khao quân ở động Hoa Lư (làng Uy Tế) bị chú đuổi đánh, khi đến bờ sông này bỗng có con rồng hiện ra đưa Ngài qua sông. Và con đường Ngài chạy qua từ Quèn Cả bên cạnh động Hoa Lư qua Uy Tế, Uy Viễn, Kính Chúc, huyện lỵ Gia Viễn (phố Me) xuống làng Đại Hữu, đến bến đò Trường Yên. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Ngài đóng đô tại làng Trường Yên. Sau này người ta đắp thành con đường đất có thể đi ngựa hay xe bò, gọi là đường Tiên Yết (đây là nói về địa lý năm 1954 trở về trước, từ đó đến nay kẻ viết bài này chưa từng về thăm quê đến một lần, còn sau này Việt Cộng vẽ vời nhiều chuyện, đổi trắng thay đen, xoá nhiều di tích lịch sử, xin miễn bàn).
Vào một ngày kia, lúc mặt trời chưa mọc, ông bà Tiếu cưỡi hai chiến mã dẫn đoàn dân quân ước độ trăm người, đa số là người Mường, trang bị vũ khí cổ truyền: cung tên, đao, kiếm. Riêng ông bà thì mỗi người có đeo thêm khẩu súng lục, tay cầm bảo kiếm gia truyền, chia làm ba mặt tiến vây làng Mơ ở dưới chân đồi Nga My. Nhưng quân địch đã có phòng bị, ở những nơi hiểm yếu đều có đồn gác, có giao thông hào, có những võ sinh dùng đao kiếm, mã tấu, gậy gộc và nhất là nỏ cứng, cung mạnh phòng thủ nên đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công của quân chính quyền. Thấy đánh mãi không thắng nổi bọn “phản động”, tư lệnh Tiếu cho lệnh xung phong với những tiếng trống liên hồi, tiếng tù và, tiếng kẻng, tiếng kèn ma quái xung trận của dân tộc Mường vang dội cả một vùng khiến dân làng lân cận đua nhau đến đứng xem rất khách quan như xem một trận đấu võ vậy. Đến nỗi những làng ở bên kia sông Hoàng Long Giang như làng Mai phương, Uy Tế, Uy Viễn thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cũng tìm đến đứng xem dầy đặc cả bờ sông bên kia.
Cuộc chiến mỗi lúc một ác liệt, họ đều dùng võ khí cổ truyền đề cố thắng địch, nhưng thực tâm họ chẳng biết đánh để làm gì, thắng cho ai?
Quân Chi Nê mỗi lúc một thắng thế, dồn địch quân vào đường hầm, kẻ thì ngã gục kẻ thì noi theo đường hầm hoặc đường tắt về nhà mình hoặc tìm cách chạy thoát khỏi chiến trường hay chạy sang làng lân cận. Nhưng chiến trường đột biến, khi “tư lệnh Tiếu” tay súng tay kiếm nhẩy lên nóc hầm chỉ huy trung ương của địch, ông thoáng thấy có bóng dáng một người đàn bà vừa nhẩy xuống dưới hầm chạy trốn, ông phóng theo và đồng thời bắn theo một phát. Ông chưa kịp đứng vững trong đường hầm sâu thẳm thì ông đã nhận đủ một viên đạn vào ngực và ngã gục xuống.
Ở mặt trận phía ngoài, bà Tiếu, tư lệnh phó, chỉ huy độ vài chục thanh niên nam nữ Mường đang phục sẵn ở bờ sông Hoàng Long Giang phòng bọn địch thua trận chạy trốn sang vùng Gia Viễn, Nho Quan rồi chạy lên Hòa Bình. Đột nhiên bà thấy một bọn ước chừng chục thanh niên tay cầm kiếm, đao, mã tấu hốt hoảng chạy đến, đi đầu là một thiếu nữ trẻ đẹp có súng lục và kiếm báu, theo sau là hai ba người đàn ông trạc trung niên mặt mũi sáng sủa, trí thức, tay cũng có kiếm và đeo súng bên mình. Lập tức Bà nhảy ra chặn đường bọn họ và cũng ra lệnh bao vây. Hai bên giáp chiến, kẻ đâm người chém, kẻ hét người hò, thêm những tiếng cồng, tiếng chiêng, trống như dục lòng người tăng thêm ác tính và trận chiến trở nên mỗi lúc một ác liệt hơn. Dân chúng đứng xem say mê và còn vỗ tay cho những thế kiếm, đao hay rất vô tư cổ võ.
Bỗng có tiếng báu kiếm va chạm nhau quá mạnh, tóe lửa, hai địch thủ đều lùi lại giữ thế thủ. Thiếu nữ quát:
– Ngươi quả vũ dũng, nhưng ta không phục, ỷ nhiều hiếp ít. Ngươi có dám đấu với ta trăm hiệp?
– Ta há sợ ngươi hay sao? Thím Tiếu đáp xong ra lệnh cho bộ hạ ngừng chiến, lùi lại, một mình hiên ngang cầm kiếm tiến lên. Thiếu nữ nói:
– Ta nghe nói ngươi con quan lang, sao lại theo bọn cộng sản Hồ Chí Minh lừa dân hại nước, hôm qua liên hiệp toàn dân, nay lại giết người quốc gia?
Thím im lặng, nhưng vung kiếm đánh tới, thiếu nữ ngang nhiên đón đỡ, đồng thời quay ra nói với hai người đàn ông trung niên:
– Các huynh cứ đi đi, muội hạ xong người đàn bà này, muội sẽ đuổi kịp huynh ngay. Nói xong dùng toàn những độc thủ quyết hạ ngay đối thủ nhưng thím Tiếu đâu phải tay tầm thường, ăn miếng trả miếng thật là kỳ phùng địch thủ, tương ngộ tương tài. Họ đánh nhau đến mấy chục chiêu bất phân thắng bại, càng đánh càng say, càng say càng đánh, khiến bụi mù cả một góc trời, hơn trăm hiệp đã qua vẫn không phân được cao thấp. Đột nhiên thím Tiếu thay đổi kiếm pháp đánh luôn bốn thế kiếm liên hoàn buộc đối thủ phải lùi luôn bốn bước chờ khi sát bên thiếu nữ thím quát:
– Thế này lấy mạng ngươi đây. Thiếu nữ bình tĩnh xuống trung bình tấn đưa kiếm lên đỡ, hai người cùng dùng sức nên hai mặt hầu như sát nhau, thím nói nhỏ:
– Ngươi chạy đi. Rồi thím đánh luôn bốn thế liên hoàn kiếm như vũ như bão. Thiếu nữ lại lùi đúng bốn bước và đột nhiên nàng đổi kiếm pháp theo lối “mãn thiên hoa vũ” rất nhanh nhẹn, rất uy dũng khiến thím tránh né có vẻ khó khăn, về thế thủ. Không để cho đối phương kịp thở, nàng nhẩy lên cao ào ạt tấn công xuống tứ phía, khiến đối phương hạ mình xuống và xoay kiếm đón đỡ nhưng chỉ là hư chiêu. Khi thím nhận ra được nàng đã nhẩy lên mình ngựa của thím và biến mất trong biển người.
Người ta đồn rằng:
– Những người Duy Dân hôm đó chạy trốn đi đến đâu họ đều tung tiền bạc cho dân nhặt để khỏi cản đường họ.
– Trong hầm chỉ huy trung ương của Duy Dân có nhiều sách khoa học của đại học và hậu đại học bằng tiếng Pháp, Anh. Sách triết học, kinh tế, xã hội. Sách thuốc bằng Pháp văn, chữ nho của Hải Thượng Lãn Ông v.v…
– Thiếu nữ và hai người đàn ông bị bọn dân quân do tên Ất, chủ tịch huyện Gia Viễn phục kích ở bờ sông Hoàng Long Giang bắt được đem về huyện lỵ tra khảo nhưng họ chỉ nói là: “Các anh không đủ tư cách nói chuyện với chúng tôi, hãy gọi Hồ Chí Minh đến đây”.
Câu này chứng tỏ họ là những người có trình độ, kiến thúc, can đảm, tự tin, khinh thường bọn cộng sản vô học, lừa đảo, bịp dân, kể cả Hồ Chí Minh. Với tủ sách bỏ lại ở đồi Nga My và câu nói này người ta đánh giá họ là những cán bộ trung ương của đảng Duy Dân, hay ít nhất cũng phải là cán bộ cao cấp của đảng.
Kết quả:
Vài tháng sau ông Tiếu khỏi bệnh, hai ông bà xin thôi việc trở về làm ruộng. Năm 1948 hai ông bà dinh tê vào Hà Nội thuộc Pháp cai trị. Ông gia nhập quân đội Pháp Việt và lên đến cấp đại úy, sau này khi ông nhận lệnh nhẩy dù xuống vùng rừng Thanh Hoá để lập chiến khu và bị tử thương, để lại vợ và hai đứa con trai ở Hà Nội và họ di cư vào Nam năm 1954.
Ông anh tôi, Nguyễn Hữu Nguộc, sau đó suốt đời ông không bao giờ cộng tác với cộng sản, chỉ làm “ngoan dân” làm ruộng và làm thuốc bắc, đến năm 1954 đưa cha tôi cùng với gia đình di cư vào Nam, dạy học và làm thuốc bắc. Ông ấy có ý tưởng muốn viết một cuốn truyện bằng thơ lục bát dài như cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Du để ghi lại tư tưởng và hoài bão của mình cho hậu thế, nhưng tiếc thay, ông chỉ làm được đến mấy chục câu là hết ý và hết cả chữ nữa. Có lẽ vì ông sống cuộc đời quá bình dị, thiếu kinh nghiệm thực tế, nhưng âu cũng là “cái nhân” gieo vào lòng tôi khiến 22 năm sau tôi viết được cuốn “Chuyện Tình Phạm Lãi Tây Thi”, trường thiên thi phẩm dài 3478 câu lục bát trong ngục tù cộng sản vào năm 1976… Tại trại tù cải tạo Trảng Lớn, tỉnh Tây Ninh và trại tù Suối Máu, tỉnh Biên Hòa, mục đích là kêu gọi anh em trong tù cố rèn luyện, chờ thời cơ lấy lại nước Việt như Phạm Lãi đời Đông Chu đã làm. Cho nên khi tôi xuất bản cuốn thơ nói trên tôi đã viết mấy câu:
Tưởng Nhớ Anh
Ông Nguyễn Hữu Nguộc
Người anh, người thày khả kính
Làm thơ viết báo cũng ý anh
Danh Lợi không màng, chẳng cạnh tranh
Tri túc khôn người, đời đạm bạc
Mầm gieo thật khéo, khéo quả thành
Nghiệp thơ gieo rắc, đã bao đời
Công đức cha anh, buổi thiếu thời
“ Hỏa Ngục Tình Người”, công đức đấy
“ Tây Thi Phạm Lãi”, đạt ý người.
Quận Cam ngày 15-10-2004
Câu chuyện Đồi Nga My có lẽ đã in sâu vào lòng non trẻ khờ khạo của tôi trong buổi thiếu thời. Nó là “cái nhân”, sơ khởi để hình thành trong tôi về con người, quốc gia, dân tộc cho sau này. Và nhất là tạo cho tôi một tâm trạng luôn luôn hoài nghi, thù hận Chủ Nghĩa Mác Lê. Sau đây là những biến cố lịch sử gắn liền với sự biến diễn tư tưởng và đời sống của Dương Thanh Phong tôi:
– Tận diệt các đảng phái quốc gia, vụ đường Quan Thánh, Hà Nôi.
– Đoàn ngũ hoá nhân dân, gây mâu thuẫn giai cấp, họ hàng, vợ chồng cha con về quan niệm “quốc gia hay quốc tế”.
– Con cái tư sản, tiểu tư sản, trí thức, tiểu trí thức nắm chính quyền nhưng cán bộ đảng giật giây, rồi sau đến Đấu Tố Ruộng Đất, Rèn Cán Chỉnh Quân thì bị chúng diệt sạch.
– Tuần lễ vàng, quyên vàng của dân để đúc tượng biếu tướng Lư Hán.
– Bộ đội cụ Hồ, bắt nhà giầu phải nuôi khi về làng xóm đóng quân nhưng lại ức hiếp dân.
– “Tôi là tên phản động”, một tiểu đoàn bộ đội về đóng ở xóm tôi, nhà tôi và nhà ông chú, bà bác tất nhiên nhà nào to lớn nhất đẹp nhất thì bộ chỉ huy tiểu đoàn chiếm ở, có “tiểu táo” phục vụ, tiểu táo là bếp nhỏ, bếp nhỏ ăn ít, tỏ ý là các quan nhường cơm sẻ áo cho chiến sĩ cách mạng, dồn thực phẩm cho cấp “đại táo”, bếp nấu cho toàn thể mọi người lính. Nhà tôi bên cạnh nhà chú út tôi, chú có nhà xây kiểu Tây mới xong, khang trang, đẹp nhất xóm, tất nhiên, “tiểu táo” phải đóng ở đấy. Xóm tôi là xóm nhà giầu, kín cổng cao tường, nhưng vì toàn là anh em bà con thân thuộc ở quần tụ bên nhau, nên tuy có tường xây hay hàng rào ngăn cách nhưng thường có lối đi xé rào để qua lại cho tiện tối lửa tắt đèn, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau. Còn người ngoài thì phải qua cổng chính mới vào nhà được. Bọn lâu la của các quan tiểu táo, cửa quyền, bèn phá hàng rào nhà tôi để sang nhà chú tôi lại còn đi băng ngang qua nhà ăn, nhà bếp là chỗ sinh hoạt riêng của gia đình, để ra sân phía trước nhà và ra cổng chính hay ra ao tắm rửa. Nhất là sân phía trước nhà tôi cũng có lối đi vòng ra sau vườn nhà sang nhà chú út. Nhưng đa số bọn chúng là lính văn phòng, anh nuôi tiểu tảo của bộ chỉ huy tiểu đoàn lại thích đi lối qua giữa nhà, giữa lúc mọi người đang ăn trưa hay sinh hoạt gia đình. Vì trong nhà lại có nhiều đàn bà con gái, cha mẹ tôi rất khó chịu, còn những người làm càu nhàu hoài. Việc trải qua hàng tuần cũng không ai dám nói gì. Trưa hôm đó, giữa lúc gia đình tôi đang ăn cơm trưa, một bọn bộ đội khoảng ba bốn chục tên, đứa cởi trần đứa khoác áo trên ngang vai và ngang nhiên lách vào những chỗ người ngồi mà đi bất kể là đàn ông hay đàn bà, con gái. Tôi giận quá, đương ăn bỏ bát đứng dạy chặn tên đi đầu lại:
– Xin lỗi anh, tôi có vài góp ý, đề nghị các anh có thể dùng đường phía sau vườn nhà tôi cũng sang nhà chú út, chỉ xa hơn vài chục bước là cùng, các anh ở nhà ông Thông Sợi và cụ cửu Liên đều đi lối đó. Còn lối này từ khi các anh về mới phá rào để thông qua nhà cho tiện. Nhưng nhiều lúc chẳng tiện, như lúc này, mong anh thông cảm. Hắn không nói gì, hậm hực bỏ đi. Tôi lại ngồi ăn cơm. Mười phút sau, có hai tên sấn vào bàn ăn bắt tôi lôi đi sang nhà chú tôi trình diện bộ chỉ huy tiểu đoàn. Chúng trói tôi để ở ngoài hiên, mười lăm phút sau, ông chủ tịch xã, cụ cửu Liên, chú ruột của ba tôi, thấy tôi bị trói ở hiên nhà, rất ngạc nhiên, nói lớn:
– Ông tiểu đoàn trưởng ơi, tôi đang ăn cơm nghe báo cáo là bắt được tên “Việt gian phản động”, bỏ cả cơm nước mà chạy sang đây. Té ra thằng này, nó là cháu tôi, gọi tôi bằng ông chú ruột đấy, nó học hành chăm chỉ, đâu có thể gọi là Việt gian phản động được. Lại có sự hiểu lầm rồi, xin ông tha cho nó, vừa nói ông vừa cởi trói cho tôi và nói:
– Thôi về đi con. Tôi không đi, định đứng lại lý luận với tên tiểu đoàn trưởng nhưng ông cụ ẩy tôi đi, còn nháy mắt tỏ ý, ông hiểu con rồi, đừng thèm nói nữa.
Tôi nghĩ:
– Câu chuyện chỉ có vậy mà chúng dám gán cho tội “Việt gian phản động”, sẽ đi đến tử hình. Thật là khủng khiếp, ghê tởm cho cái miệng lưỡi của bọn cộng sản! Lừa đảo đảo điên (Nói dối như Vẹm).
“Bầu Quốc Hội năm 1946”
Thông tư thượng cấp gửi cho các xã thuộc khu bầu cử B của chúng tôi phải làm sao cho bốn người: Cầu, Cống, Đống, Vôi được đắc cử. Hồi đó dân ta ở nông thôn hầu hết là mù chữ nên chúng tôi được xã mời làm thơ ký cho mỗi thùng phiếu và phải học thuộc bốn tên đó để ghi vào lá phiếu. Khi dân bị lùa ra đình để bầu cử, tôi hỏi theo bài vở:
– Ông bà bầu cho ai?
– Tôi có biết ai mà bầu ? Nhờ cậu viết tên nào cũng được.
– Có bầu cho Ông Đinh Khắc Mẫn không, ông cửu Mẫn làng Uy Tế đó.
– Bầu chứ, ông ấy phải bầu số một, cậu nhỉ. Ngoài ra cậu nhớ ai thì viết dùm.
– Tôi viết ba tên Cầu, Cống, Đống nhé.
Kết quả bầu cử khu vực B, Cầu, Cống, Đống, Vôi đều đắc cử, còn ứng cử viên Đinh Khắc Mẫn thất cử với số phiếu quá khiêm tốn. Nhưng theo dư luận thì ông Mẫn có rất nhiều nơi bầu nhưng tại sao lại thất cử? Có trời biết, có cụ Hồ biết!
Ông Mẫn nhà giầu có tiếng trong vùng, thường viết báo Nam Phong tạp chí, đứng đắn, lịch thiệp, giao du rộng, nhưng vẫn thất cử!
Kỳ đó cụ Nguyễn Văn Tố đắc cử, được bầu là chủ tịch quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nhưng cũng thọ chẳng được bao lâu. Cụ cũng bị máy bay Pháp bắn rớt, tử thương. Nghe nói cụ bị Việt Minh mật báo cho Pháp bắn chết để trừ hậu hoạn.
– Việc Giảm Tô Giảm tức và Thuế Nông Nghiệp năm 1949, cha tôi bị tù vì tội “cầm đầu chống thuế nông nghiệp” tỉnh Ninh Bình.
– Đấu Tố Ruộng Đất: năm 1952, tôi bị đấu tố thay cho cha ở tù.
– Năm 1953 tôi dinh tề vào thành phố Nam định dứt khoát đối đầu với cộng sản.
– Năm 1954, tôi di cư vào Nam, và sau đó Việt Cộng lại mang quân xâm lăng miền Nam gây chiến tranh huynh đệ tương tàn để giết hàng triệu quân sinh Bắc tử Nam và hàng mấy trăm ngàn quân dân miền Nam vô tội và cố chiếm miền Nam vào ngày 30-04-1975 để làm nô lệ cho chúng.
– Năm 1975 phải vào trại tù cải tạo cộng sản với tội danh: Sỉ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Trong lúc ở tù, những sự kiện lịch sử tôi đã chứng kiến trải dài trong 30 mươi năm qua đã hiện rõ trong tôi khiến tôi như điên như cuồng, như thôi thúc tôi phá vòng vây nhưng may thay, tôi gặp người bạn chỉ cho cách ngồi thiền tập khiến tâm dần dần tĩnh lại và tháng 7 năm 1975 tôi viết được hai cuốn thơ. Và đến cuối tháng 10 năm 2010 tiếp hai cuốn nữa.
Đó là bộ sách tư tưởng và hoài bão của Dương Thanh Phong như đã nói ở trên.
Nói tóm lại, tôi viết bài này:
– Nói riêng là để nói lên một sự kiện lịch sử đã bị che đậy, vùi lấp quá lâu, hủy diệt chứng tích của bọn Việt cộng về các vị anh hùng dân tộc trong đảng Đại Việt Duy Dân mà tôi hằng kính trọng và ngưỡng mộ từ thời niên thiếu, rất tiếc là không biết quý danh của các vị đó nhưng nó cũng là gương sáng cho hậu thế noi theo.
– Nói chung, nó cũng là để tưởng nhớ đến các vị anh hùng cứu quốc bị cộng sản sát hại trong suốt 66 năm qua. Chúng là những tên bán nước cầu vinh, lừa thày phản bạn, giết hại đồng bào ruột thịt, nhưng lại khiếp nhược trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc:
Bây giờ cuồng nộ dân khi
Sóng dồn dồn dập đến kỳ nát tan
Bạo tàn hết kiếp bạo tàn
Độc tài chấm dứt thế gian độc tài
Tiền vàng núi chất cao dầy
Vô thường đã đến phút giây tiêu tùng
Ngừng ngay nghiệp ác cùng hung
May ra lại được sống chung cùng nguồn.
(Trích bài ”Bài Ca Quốc Hận 3, Tòa khâm sứ và ấp Thái Hà” trang 17 trong “Tập thơ Quốc Hận Lệ Rơi Mấy Hàng” của Dương Thanh Phong).
Chắc chắn chúng sẽ phải đền tội vào những ngày rất gần đây với phong trào cách mạng Hoa Nhài từ Châu Phi, Ai Cập, Ả rập, Libya… đang lan tràn đến Trung Quốc và nước Việt Nam ta với sự ủng hộ hầu như tuyệt đối của các nước Tây Âu, Anh Mỹ… Vậy xin tặng các vị lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ ở Hà Nội:
Nhân nào quả ấy đủ mười
Tránh sao được kiếp luân hồi vô sinh.
(Trích bài “Luân Hồi Vô Sinh” trong “Tập thơ Quốc Hận Tập Lệ Rơi Mấy Hàng” trang 124 của Dương Thanh phong).
Dương Thanh Phong
Quận Cam, thượng tuần tháng 3 năm 2011