Những câu chuyện về Lý Đông A

ĐẢNG DUY DÂN và VỊ TỔ KHAI SÁNG

LÝ ĐÔNG A

***   ***  ***

Lý Trường Trân

Trong lịch sử các cuộc tranh đấu chính trị, dành Độc lập cho đất nước, và xây dựng tương lai cho dân tộc Việt Nam, chưa có Vị lãnh tụ chính trị nào trẻ trung, kiến thức uyên thâm, có một hệ tư tưởng nhân chủ và nhân bản làm cơ sở cho một học thuyết đem lại Hòa Bình và hạnh phúc cho Dân Tộc, kêu gọi đoàn kết trong tình yêu thương tập thể, bằng người cha đẻ ra chủ nghĩa Duy Dân: Cụ Lý Đông A.

Chân dung ông Lý Trường Trân.
(Hình gia đình cung cấp)

Người lãnh tụ chính trị này, lúc hoạt động có nhiều hành tung bí mật, từ việc đi đứng, liên lạc, huấn luyện các đảng viên rất kín đáo, miên mật, khi ẩn khi hiện, đến không ai biết, đi không ai hay, như phong thái của một Thiền sư, đến lúc biến hẳn trên chính trường cũng không lưu lại một dấu vết nào, ngoài những tác phẩm mang đầy triết thuyết chính trị, và tư tưởng thậm thâm vi diệu, mà đến nay, nhiều nhà trí thức và chính trị gia chưa hiểu nổi thâm ý qua các tác phẩm lưu lại như: Đạo Trường Ngâm, Huyết Hoa [Trên trang Thắng Nghĩa Lý Đông A mang tên Tiểu Luận Thắng Nghĩa], Chu Tri Lục, Duy Nhân Cương Thường, Thiết Giáo. Nhân vật chính trị trẻ trung và kỳ bí ấy, mà trong giới tranh đấu chính trị hay nhắc đến dưới tên Lý Đông A là cha đẻ của chủ thuyết Duy Dân và cũng là người sáng tạo ra đảng Duy Dân mà sự mất tích của Vị lãnh tụ nầy rất tiếc đã đến quá sớm, lúc chưa đầy 28 tuổi.

1- THÂN THẾ

Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sanh ngày 3 tháng giêng năm 1921 tại làng Yên Tập, tổng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Bắc Việt) cách tỉnh lỵ 12 cây số, cạnh đường cái quan Nam Định – Hà Nam.

Năm 14 tuổi, cậu Thanh thi đỗ bằng Tiểu học Pháp Việt. Vì nhà nghèo, không thể tiếp tục học lên trung học, cậu theo học chữ Nho với một ông đồ ở làng tên là cụ đồ Đào. Khi học, cậu luôn luôn đặt những câu hỏi [với] Thầy để tìm hiểu sự việc đến nơi đến chốn. Sau 6 tháng học thông thạo chữ Hán, khi nghe Thầy giảng về lý Tam Tài (ba ngôi: Trời, Đất, Người), thì cậu ta đặt ngay câu hỏi với Thầy là: Trong ba ngôi thì con Người có ảnh hưởng gì đến Trời, Đất? Và trái lại Trời, Đất có ảnh hưởng gì đối với Người? Cụ đồ không biết trả lời sao, nên [đã đặt câu hỏi] nhân dịp đi viếng chùa Phủ Lý Nhân để thăm vị sư trụ trì Chùa, là cụ Phạm Mạnh Sinh, một người 2 lần đậu Tú Tài, và đồng hoạt động cách mạng với Cụ Phan Bội Châu. Vị viện chủ chùa vui vẻ nhận cậu Thanh vào làm đệ tử để bổ túc Hán Văn và học thêm Phật học. Sư Cụ Trụ Trì chùa khoe với một đồng chí của Cụ, có tham gia trong vụ nổi dậy ở Yên Bái, rằng Cụ có một đệ tử rất thông minh, đã hỏi cụ những câu hỏi về Kinh Dịch và lịch sử cận đại, mà Sư Cụ thấy khó trả lời, nên nhờ đồng chí ấy giúp đỡ bằng cách đưa cậu ấy vào Huế để gặp và nhờ Cụ Phan Bội Châu, đang bị quản thúc tại đấy, nhân dịp rằm tháng giêng, đất Thần kinh đang tổ chức lễ tế Nam Giao, công an Pháp ít lưu ý.

2- CUỘC GẶP GỠ VỚI CỤ PHAN BỘI CHÂU

Sau khi được giới thiệu với Cụ Phan, cậu Thanh được kết nạp vào làm một câu bé lo điếu đóm hầu hạ cụ Phan, và vì còn nhỏ tuổi, lại ăn mặc nâu sồng, nên ít người để ý. Sau khi tìm hiểu kiến thức của cậu Thanh, cụ Phan bắt đầu giảng về kinh Dịch, và các triết học Đông phương, và so sánh các tư tưởng của Karl Marx, với các tư tưởng của Montesqieu hay Rousseau, rồi Cụ Phan truyền tất cả kinh nghiệm của 20 năm hoạt động chính trị của Cụ trong nước và hải ngoại. Cậu Thanh hỏi cụ Phan: Dân tộc ta nên theo chủ nghĩa nào, Duy Tâm hay Duy vật? Cụ Phan trả lời: DÂN CHẲNG DUY VẬT, DÂN CHẲNG DUY TÂM, DÂN CHỈ DUY DÂN, và vì câu trả lời này, Cậu Thanh mới quyết tập trung tư tưởng để xây dựng chủ thuyết Duy Dân. Sau một tháng sống bên cạnh cụ PHAN, Cậu Thanh nhớ kỹ càng những lời dạy bảo, nói đến đâu nhớ đến đấy, chẳng cần ghi chép. Cụ Phan nhắn cụ Phạm Nửu tức là Cụ Hải Kình biết việc huấn luyện cậu Thanh đã xong, nên vào Huế đem cậu Thanh trở về đất Bắc. Khi từ biệt, lúc đưa 2 người ra cổng, cụ Phan vỗ vai cậu Thanh và nói: Cháu là viên ngọc quý, Ba mẹ cháu chắc tu nhiều kiếp mới sanh ra cháu. Chú kỳ vọng nơi cháu thật nhiều. Để kỷ niệm buổi chia tay, Chú tặng cháu một tấm ảnh với 4 chữ ghi ở phía sau: “Cứu quốc tồn chủng”, cháu có thể xử dụng nó như một bức thư giới thiệu của Chú với các đồng chí của Chú, mỗi khi cháu cần gặp. Quay sang Cụ Hải Kình, Cụ PHAN nói: “Chúng ta đã già rồi, chúng ta phải tìm cách ủng hộ cho thằng cháu, vì theo tôi, nó chính là tương lai của chúng ta và của cả Dân tộc”.

Sau một tháng xa nhà, trở lại làng Yên Tập, cậu Thanh rất vui mừng vì được khích lệ bởi cụ Phan, vị cha già dân tộc; mừng vì được học hỏi thêm những kiến thức làm bừng cháy, tâm tư thổn thức trong lòng. Vì nghèo, nên không có tiền học lên trung học, cậu nhờ ông anh cả là Nguyễn Hữu Loan, lớn hơn cậu 10 tuổi, gởi cậu lên Hà Nội ăn học, ở nơi nhà cụ Dương Thái Ban, phố Sinh Từ, một nơi tụ họp các nhà hoạt động cách mạng đương thời.

Cậu Nguyễn hữu Thanh dành một ít tiền do ông anh thỉnh thoảng gửi cho, ghi tên vào học ở một trường tư thục, không phải học để dự thi khoa bảng, nhưng để học môn nào cậu thấy cần bổ túc để nắm cho được cái cốt tủy của khoa học, sử học và các triết học Tây Phương, với mục đích phối hợp văn hóa Tây Phương với văn hóa Đông Phương mà cậu đã tiếp thu được từ Sư Cụ Chùa Phủ Lý Nhân với Cụ Phan Bội Châu. Cậu đến Thư Viện Quốc Gia Hà Nội đọc rất nhiều sách, đọc rất nhanh và nhớ rất nhiều. Thỉnh thoảng ghé lại Chùa Quán Sứ đọc kinh sách Phật Giáo và thảo luận với các nhà sư trẻ, và về nhà Cụ Ban, thì cậu lại để ý theo dõi các buổi hội luận của những chí sĩ cách mạng thời đó, không phân biệt các xu hướng khác nhau, chỉ nghe nhiều hơn là nói, vì nghĩ rằng khi nuôi chí lớn, không cần phải nói nhiều…

3- BĂNG SƠN TẦM ĐẠO

Trong 2 năm học ở Hà Nội, cậu Nguyễn Hữu Thanh cố gắng sắp xếp các tư tưởng thành một hệ thống lý luận. Năm 1938, cậu xuống cảng Hải Phòng xin làm cho một hãng buôn, dành được một số tiền, và quyết lên núi Yên Tử, vào Chùa để đọc kinh sách và suy tư. Thường lệ… cứ mỗi chiều tà tắt những ánh nắng trên núi Yên Tử, cậu Thanh ra ngồi dưới các cội thông già, dưới chân đồi để lắng tâm suy nghĩ. Trong buổi chiều đắm đuối trong trạng thái tĩnh lự, sau này anh kể lại với một đồng chí Duy Dân là Phạm Thanh Giang, anh bỗng nhìn thấy trước mặt một vòng hào quang sáng rực như vầng Thái dương, các tư tưởng trong đầu đều như quyện lấy hào quang và chan hòa vào trong Vũ trụ. Nhắm mắt lại, anh bỗng thấy những ưu tư, những mâu thuẫn, những thắc mắc bỗng tan biến, tất cả các tư tưởng được sắp xếp thành một hệ thống rất thứ tự, và chặt chẽ như một phương trình minh bạch, và như vậy cậu đã khám phá ra biện chứng Duy Dân.

4- GIA NHẬP PHỤC QUỐC QUÂN 

Rời núi Yên Tử, mùa thu năm 1939, khi được biết Pháp tuyên chiến với Đức-Quốc-Xã, anh tìm cách tiếp xúc với các nhà cách mạng đàn anh là Sư Cụ Chùa Phủ Lý Nhân và Cụ Hải Kình. Qua năm 1940, Pháp đầu hàng, Nhật tiến chiếm Đông Dương và muốn làm áp lực với chính quyền Pháp tại VN, Nhật đã yểm trợ cho tổ chức Việt Nam Phục Quốc Hội của Hoàng Thân Cường Để làm Hội Trưởng, và do cụ Phan Bội Châu sáng lập tại Hải ngoại, trong ấy có 2 vị sĩ quan cao cấp người Việt Nam trong hàng ngũ quân đội Nhật tên là Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập, đóng tại Lạng Sơn. Họ tập hợp được một số quân nhân VN theo quân đội Pháp và quân đôi Nhật cùng một số thanh niên yêu nước từ các thành phố tìm lên gia nhập để thành lập lực lượng Phục Quốc Quân.

Cụ Hải Kình nhờ một người bạn trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng quen thân với các chỉ huy Phục Quốc Quân, giới thiệu cậu Nguyễn Hữu Thanh với 2 tướng Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập. Sau khi tiếp kiến để tìm hiểu khả năng cậu thanh niên nầy, 2 vị chỉ huy lấy làm ngạc nhiên về kiến thức uyên bác về chính trị và kinh nghiệm lịch sử của cậu thanh niên nầy, nên họ đồng ý mời cậu Thanh làm Ủy Viên chính trị của lực lượng PHỤC QUỐC QUÂN. Anh đề nghị bắt đầu chia thành từng nhóm để thuyết trình về mục tiêu cứu quốc của Đoàn. Anh nói về những kinh nghiệm lịch sử trong các cuộc đấu tranh chính trị, cùng anh em luân phiên đi phục kích, và hướng dẫn từng nhóm tiếp xúc với đồng bào, để cổ động tiếp tay cho đoàn quân phục quốc. Công việc bố trí đang tiến hành, thì nghe được tin quân Pháp nhựợng bộ cho quân đội Nhật tiến từ Lạng Sơn xuống đến hữu ngạn sông Hồng, và Nhật phải đình chỉ ủng hộ nhóm Phục Quốc Quân. Pháp tiến chiếm lại Lạng Sơn khi Nhật vừa rút đi, nên trong trận đụng độ giữa Pháp và Phục Quốc Quân, Trung tá Trần Trung Lập bị bắt và bị xử tử, Thiếu tướng Đoàn Kiểm Điểm bị chết tại trận vì không còn được Nhật yểm trợ nữa. Sau khi Trần Trung Lập bị giết, một số Phục Quốc Quân bị Pháp bắt và đem giam ở trại Sơn La cùng chung với các cán bộ nòng cốt của Cộng Sản như Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy… và chính đám này đã lập công với Pháp bằng cách tố cáo mỗi khi có anh em Phục Quốc Quân trốn trại. Một số anh em Phục Quốc Quân thoát được sự vây bắt của Pháp đã theo cậu NGUYỄN HỮU THANH chạy qua Tàu tỵ nạn. Đó là bài học đau thuơng đầu tiên mà cậu Nguyễn Hữu Thanh đã học khi bước chân vào đời hoạt động chính trị, tạo cho ông ta có quan niệm rõ ràng: Đừng tin người, phải tin vào chính mình, vào lực lượng của chính mình, lực lượng của người ngoài chỉ là phụ thuộc.  Trong thời gian cậu Nguyễn Hữu Thanh tức là Lý Đông A, hoạt động trong Phục Quốc Quân thì được tin Cụ Phan Bội Châu ngã bệnh, và mất tại Huế ngày 29 tháng 12 năm 1940. Trước khi qua đời, Cụ đã để lại một bài thơ buồn vô hạn, trong đó có mấy câu dưới đây:

                       Những ước anh em đầy bốn biển,

                        Nào ngờ trăng, gió nhốt ba gian.

                        Sống xác thừa mà chết cũng xương tan.

                        Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển

                        Nay đang lúc tử thần chờ trước cửa

                        Có vài lời ghi nhớ về sau

                       Chúc đàn hậu tử tiến mau. 

Trong đàn hậu tử này, chắc có chú bé Nguyễn Hữu Thanh, mà cụ PHAN đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

5- THỜI GIAN TỴ NẠN Ở TRUNG QUỐC

Bỏ nước chạy sang Tàu là một điều đau xót nhất đối với Ủy Viên chính trị Nguyễn Hữu Thanh, một ngươi đầy ắp hồn sử, hồn anh là hồn sử, đầy những trang sử chói lọi của dân tộc Việt. Anh nhớ đến bài thơ của Lý Thuờng Kiệt phá quân Tống, bài thơ của Trần Quang Khải “đoạt sáo Chương Dương độ” chống quân Nguyên Mông, vì vậy, đối với anh, chạy sang Tầu tỵ nạn là một việc bất đắc dĩ. Họ dìu dắt nhau đến Liễu Châu để tìm phương kế nuôi sống anh em, tổ chức lại hàng ngũ, và người đầu tiên anh tìm tới là Cụ Nguyễn Hải Thần, lúc ấy là Trung Tướng của quân đội Tưởng Giới Thạch. Khi gặp cụ, cậu Nguyễn Hữu Thanh đưa bức ảnh của Cụ Phan Bội Châu với 4 chữ “Cứu quốc tồn chủng”. Mới liếc mắt qua, cụ Nguyễn Hải Thần vui mừng vồ lấy chàng thanh niên trẻ này, khi thấy bút tích của cụ Phan sau mấy chục năm xa cách. Sau một hồi thảo luận về nhu cầu cấp bách, cụ Nguyễn sẽ bàn thảo với tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh quân khu Hoa Nam để mở trường huấn luyện cán bộ quân sự, dành riêng cho thanh niên VN tỵ nạn. Cậu Nguyễn Hữu Thanh xin ghi tên gia nhập. Anh chỉ có tên trong danh sách các học viên, nhưng không có mặt trong lớp, vì trong khi anh em học tập thì cậu Nguyễn Hữu Thanh vùi đầu trong Thư Viện để đọc những sách nghiên cứu về chiến tranh, về tương quan giữa chính trị và quân sự và giữa quân sự với giáo dục. Anh đọc rất nhiều, rất mau, chăm chú và không mệt mỏi, và khi về phòng, anh thường đi qua, đi lại, tiếp tục suy nghĩ, nhiều khi nhức đầu chóng mặt, anh lấy khăn, thấm nước lạnh, quấn quanh đầu, rồi ngồi xuống ghi vào sổ tay. Tuy miệt mài đọc sách, anh vẫn liên lạc với Cụ Nguyễn Hải Thần. Tuy tuổi tác xa cách nhau, nhưng cụ vẫn gọi Anh là hiền đệ và xưng là ngu huynh, và rất khâm phục kiến thức uyên bác sâu rộng của Anh. Cụ mời anh gia nhập vào ban Bí Thư của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và giới thiệu Anh với cái tên là Lý Đông A, do anh tự chọn. Đông A là chữ Nho, do chữ TRẦN phân ra làm 2 thành chữ A và chữ Đông. Lý Đông A có nghĩa là LÝ TRẦN, hai thời đại cực thịnh của Dân tộc VN. Và bắt đầu từ đó, cái tên LÝ ĐÔNG A đã đi vào lịch sử của Dân tộc. Do sự mến mộ của Cụ Nguyễn Hải Thần, mỗi khi viết thư, Cụ lúc nào cũng bắt đầu bằng cách xưng hô Lý tiên sinh nhã giám, và anh em ở Liễu Châu đã công nhận Lý Đông A là một lý thuyết gia uyên bác. Lúc ấy, có một nhóm gồm 7 người từ VN qua đến Liễu Châu do nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam cầm đầu năm 1941, xin cụ Nguyễn Hải Thần sắp xếp để gặp Lý Đông A, nhưng họ Lý chỉ định 3 cán bộ đến gặp. Nguyễn Tường Tam không thỏa mãn, nhưng sau đó chỉ định thêm 3 cán bộ để gặp, nhưng nhà Cách Mạng Nguyễn Tường Tam vẫn chưa hài lòng về sự giải thích, và lần thứ 3, đích thân Lý Đông A đến tìm gặp Nguyễn Tường Tam. Ông đã so sánh sự khác biệt giữa thuyết bình quân của Đại Việt Dân Chính Đảng của ông Tam với thuyết Đồng Nhân của Duy Dân, cuối cùng ông Tam đồng ý với họ Lý là thay vì dùng võ lực để bành trướng đất đai theo thuyết Dân Tộc Sinh Tồn Không Gian như Đảng Quốc Xã Đức chủ trương, thuyết Đồng Nhân của Duy Dân đưa tới sách lược hòa bình, liên hiệp với các dân tộc nhược tiểu ở Đông Nam Á, dùng cụm từ “Liên Hiệp Đông Nam Á Thái Bình Dương” thay vì dùng cụm từ “Cộng Hòa Liên Bang Đại Nam Hải”, và có như vậy mới mong chận được sự bành trướng của Trung Quốc về sau. Nên sau nầy trong năm 1943 tại Hà Nội, Lý Đông A thuyết trình lại cho nhà văn Hoàng Đạo, lý thuyết gia của đảng Đại Việt Dân Chính Đảng. Hà Tố Lý, cử nhân luật khoa thuộc nhóm 7 người gặp ở Liễu Châu cũng hoàn toàn đồng ý với Lý Đông A, và sau đó họ Hà đã xin gia nhập vào đảng Duy Dân.

Nhân vật thứ 2 đến tìm gặp Lý Đông A là Hoàng Văn Hoan, một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Đối thoại với ông Hoan, Lý Đông A trình bày thuyết TAM NHÂN (Nhân Bản, Nhân Chủ, và Nhân Tính) và đưa ra kế hoạch hòa bình lâu dài cho dân tộc. Hoàng Văn Hoan nghe rất thích thú, gật đầu tán thưởng nhưng rất tiếc, thời điểm đó, năm 1942, Hồ Chí Minh đã bắt liên lạc được với đám Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp và đã thành lập chiến khu Việt Bắc, lôi Hoàng Văn Hoan vào cơn lốc CS, nhưng trong thâm tâm nhân vật nầy vẫn còn có cảm tình với lập thuyết của Lý Đông A.

Nửa năm 1943, Lý Đông A dốc toàn lực viết tập “Quốc Sách Thảo Án Toàn Pho”. Và thế chiến tại Âu Châu có chiều ngã ngũ khi Hoa Kỳ nhảy vào vòng chiến. Lý Đông A có ý định hồi hương, trình bày với Cụ Nguyễn Hải Thần và được Cụ đồng ý. Và để đánh lạc hướng những kẻ theo dõi, Cụ Nguyễn sẽ viết một lá thư giới thiệu với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch kèm theo bức ảnh của Cụ. Nhưng thay vì đi Trùng Khánh để gặp họ Tưởng thì Lý Đông A đi về VN sau khi đã nhận của cụ Nguyễn Hải Thần một ít tiền đủ tiêu dùng khi về nước… Kế hoạch trở lại quê hương được giữ bí mật giữa 2 người, không ai biết, vì Lý Đông A tiên đoán sẽ có biến chuyển tại VN khi thế chiến thứ 2 chấm dứt.

6- TRỞ VỀ ĐẤT VIỆT

Từ Liễu Châu đi về VN phải qua Nam Ninh, nhưng để đánh lạc hướng đối phương, ông ngược về phía Đông Bắc để đi Quế Lâm, với nỗi buồn dân tộc còn đè nặng trong đầu. Tới Quế Lâm, ông tìm gặp được một đồng chí: Ông Thái Việt. Thấy Lý Đông A mặc chiếc quần tây trắng, trên áo veston đen, trong người mang đầy tài liệu, họ rủ nhau về phòng trọ. Ngồi chưa ấm chỗ thì Công An đến khám xét. Lý Đông A trình bày đủ giấy tờ, kể cả thư của Cụ Nguyễn viết cho Tưởng Giới Thạch. Công An chào xin lỗi, rồi bỏ đi. Hai người cần viết lẹ để chép làm 2 tập “Duy Dân Chủ Nghĩa Thảo Án Toàn Pho”, để gửi 1 bản cho Cụ Nguyễn Hải Thần. Thái Việt tỏ ý muốn theo về VN nhưng họ Lý thấy cần giữ hành tung bí mật, nên chưa tiện lúc, nên chia tay trong niềm thương tiếc để lại trong một bài thơ cảm động như sau, tựa là [Chiến Sĩ Tư].

CHIẾN SĨ TƯ

1- Chợt thức mình một gối

Xào xạc lá sương mai                                

Lạnh lùng con quẹt rối                                                         

Nao lòng nhớ những ai.                             

2- Những thanh niên Lạc Hồng

Lăn mình chốn tang bồng                           

Từ bỏ nơi yên ấm,                             

Gian khổ vì non sông.                                 

3- Ngày kia khói ải bay                              

Khoác áo ra đi ngay                                  

Từng bao thừa sống chết                                    

Son sắt dạ khôn lay.

4- Vào ra hang hùm beo

Bạt thiệp chốn hiểm nghèo,

Đói rét thân gầy rạc

Lẩn lút mạng cheo leo.

5- Cách biệt đầy nhung nhớ,

Phong quang ít lúc chung,

Đàn chim rừng ríu rít,

Cất cánh đã bay tung.

6- Một ngày mai chiến sĩ,

Một văn minh hùng vĩ,

Một triết học đẩy nên,

Nghĩa DUY DÂN đồng chí./. 

[Ghi chú: Bản chính của bài thơ có 14 đoạn thay vì 6] 

Những người theo dõi ông đã bị đánh lạc hướng vì ông thay đổi lộ trình, đi đường sông và không dùng đường bộ. Khi cập bến, tới biên giới Cao Bằng, qua một khúc sông nhỏ, cách hang Pắc Pó, nơi ẩn trú của Hồ Chí Minh không xa, Lý Đông A bồi hồi cảm xúc trước con sông nhỏ tên là Pắc Nậm qua bài thơ sau đây:

Ta đã về, đứng bên bờ Pắc Nậm,

Mặc heo may quấn quýt hồn cố hương,

Thấm hàng cây lấp ló những ven tường,

Hòa làn khói, mơ màng bao nhớ ước.

 

Cách dòng nước, ta là người mất nước

Nước non ta ai ngăn trở ta về?

Thấy người quê, không được tỏ tình quê

Rõ trước mắt mà tìm đâu cho thấy,

 

Hãy hét lớn, hai bàn tay nắm lấy,

Hãy khua tan, quân địch của Rồng, Tiên

Hãy làm cho giống Việt lại đoàn viên.

Quê nước ở trong đáy dòng sống máu. 

Quê nước ở trong đáy dòng sống máu.

Đợi lúc thuận tiện, Lý Đông A lẻn qua biên giới, tạm trú tại nhà thân phụ của một đồng chí Duy Dân, và vài ngày sau, ông có mặt tại Hà Nội để bắt đầu một giai đoạn đấu tranh mới. Khác với hầu hết các lãnh tụ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam hay Nguyễn Thái Học, Lý Đông A sống độc thân, lối sống không cố định và hoàn toàn lưu động thoắt đi, thoắt đến, nên khó ai theo dõi được, và chủ trương “vào ý ra việc” chớ không chủ trương “vào ý ra lời”, và tránh những cuộc tiếp xúc vô bổ.

7- VỀ SỐNG LẠI Ở HÀ NỘI

Trở về Hà Nội, ông tạm trú tại chùa Quán Sứ, mặc quần áo màu khói hương như một cư sĩ trẻ thuần thành, nên mật thám Pháp ít để ý. Không có tiền xử dụng, ông nhắn với ông anh cả là Nguyễn Hữu Loan, bán một sào ruộng được 42$00, đủ dùng trong một năm, và lặng lẽ đi tìm những người bạn cũ. Đa số đã vào đại học hay đang băn khoăn đi tìm một tổ chức Cách mạng Dân tộc có chủ trương và đường lối rõ ràng hợp lý, và chi bộ Duy Dân đầu tiên được thành hình, và sau khi huấn luyện Chi bộ nầy xong, ông rời Hà Nội, về thôn quê nắm tình hình và kiếm thêm đồng chí mới. Trong bộ quốc phục màu xám nhạt, một mình với chiếc xe đạp, ông di chuyển khắp nơi, đến thăm cụ Hải Kình, viếng chùa Đổng Đác, vào tận Thanh Hóa, Nghệ An, trở về Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và thỉnh thoảng tạt qua Hà Nội lấy tin tức.

8- MỘT NHÂN VẬT CỐT CÁN: BÀ CẢ CÀ

Trong khi hội họp hay huấn luyện cán bộ, họ thường hay xưng hô thân mật như: Anh, Chị, tôi v.v… nhưng riêng có một người được gọi bằng “Ông chủ” tức là ông Hội Chủ. Người đó là một người đàn bà lớn tuổi thường được anh em gọi là Bà Cả Cà, vì lúc nào dọn cơm cho anh em ăn, Bà đều dọn món cà muối xổi, hoặc cà nén, cà dầm tương, hoặc cà bung làm món ăn chính. Ngày trước, Bà có dạy học Lý Đông A khi ông còn nhỏ tuổi, anh em gọi bà bằng Chị, và Lý Đông A gọi Bà là Bà Giáo, bà này sau khi di cư vào Nam và mất trong Nam sau khi đã bị Cộng Sản Hà Nội bỏ tù 5 năm tại trại Lý Bá Sơ.

9- CÁC TIẾP XÚC NGOẠI GIAO

Từ mùa thu 1943 đến mùa thu 1945, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng như ông Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo của Đại Việt Dân Chính Đảng, và trao một tập nhỏ viết tay mà Hoàng Đạo, sau khi xem xong, cho là một tài liệu  bổ ích. Qua mùa hè 1945, ông đã đến thăm Trương Tử Anh, lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng tại phố Hàng Khoai. Sau buổi gặp gỡ, Trương Tử Anh nói với anh em Đại Việt là Lý Đông A, một kỳ nhân, một người đặc biệt, xuất chúng hơn người.

Riêng Cụ Nguyễn Hải Thần, khi trở về Hà Nội, phần thì bị bọn CS dòm ngó, phần thì bị các anh em trong Cách Mệnh Đồng Minh Hội bao vây, Lý Đông A ít lui tới để khỏi lộ hành tung, và chỉ định 2 người đại diện làm liên lạc viên giữa Ông và cụ Nguyễn, và 2 người này được mời làm Cố Vấn.  Cụ Nguyễn Hải Thần là người có rất nhiều uy tín với Tưởng Giới Thạch và các tướng lãnh như tướng Lư Hán và tướng Tiêu Văn mà muốn dùng mấy tướng nầy làm áp lực với chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng có ngờ đâu các tướng này đã bị CS dùng vàng quyên được của dân chúng đút lót, nên bị CS mua đứt. Rồi CS đưa ra giải pháp liên hiệp mời Cụ Nguyễn Hải Thần làm phó Chủ tịch Nhà Nước để lừa bịp quốc tế và nhân dân trong nước. Khi cụ nhận lời mời của Hồ Chí Minh, Lý Đông A chấm dứt việc liên lạc, và rút 2 đại diện về, để cùng ông rời xa Hà Nội.

10- ĐỢT LẬP TRẠI  HUẤN LUYỆN VÀ CHIẾN KHU

Sau khi cướp được chính quyền trong mùa thu 1945, CS tung hết cán bộ ra nắm quần chúng vì họ đang gặp khó khăn với 2 tổ chức chính trị lớn là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội của Cụ Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Tường Tam. Sau cuộc cách mạng tháng 8/1945, thanh niên trí thức miền Bắc lũ lượt kéo nhau đến chiến khu Yên Báy để dự các khóa huấn luyện của trường Lục Quân Yên Báy do các sĩ quan Nhật Bản hướng dẫn. Ông Lý Đông A, sau khi bàn luận với một số cán bộ cao cấp của Duy Dân, đã quyết định chọn ngọn đồi Nga My để làm trung tâm huấn luyện cán bộ. Đây là một loạt đồi nhỏ, cách nhau 500 thước, cổ thành kinh đô cũ của vua Đinh Tiên Hoàng ngày trước, gần ranh giới tỉnh Ninh Bình – Hà Nam, đi vào bằng một con đường độc đạo, sau lưng có con lạch nhỏ chảy về sông Đáy.

Ông không có ý định dùng các ngọn đồi này làm nơi huấn luyện quân sự cho cán bộ hay xây dựng chiến khu, nhưng mọi nơi, các địa phương gởi người đến để học tập chính trị, nhưng không khỏi bị chiến khu Quỳnh Lưu của Việt Minh ở Phủ Nho Quan gần đấy theo dõi, nên khóa đầu tiên mới khai trương, bọn CS quyết định triệt hạ, họ thừa lúc nước lụt tràn ngập ruộng nương tỉnh Ninh Bình, tấn công chiếm đồi Nga My. Việc tiến chiếm không gặp sự chống cự nào, chỉ có vài ba tiếng súng lục bắn xuống lẹt đẹt. Đồi bị tràn ngập, một số thanh niên bị bắt và sau xử bắn tại Đồng Giao, trên đường quốc lộ số 1 đi Thanh Hóa. Số còn lại, thoát được vòng vây trong đó có LÝ ĐÔNG A, nhưng ông chẳng đi đâu xa, lẩn quẩn gần đồi Xích thổ, để dò xét tin tức của anh em bị bắt. Ông đã làm một bài thơ về đồi NGA MY với những câu: Đồi NGA MY mối hận trĩu bề bề… Đồi NGA MY vàng thau đà thử thách… Đồi NGA MY làm trọn DUY DÂN thề!

Sau đó vài tháng, vào mùa xuân 1946, sau khi Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh ký thỏa ước cho Pháp đổ bộ Hải Phòng thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch, Ông gởi cho cán bộ Duy Dân bài thơ Đà Giang như một mật hiệu báo chỗ ẩn náu tạm thời của Ông, ở xóm Chiên Đào, gần sông Đà, từ đấy nhìn xuống có thể thấy núi Ba Vì.

11- CHIẾN KHU HÒA BÌNH

Nhận mật hiệu của Ông, một số cán bộ Duy Dân lên núi Rút (Hòa Bình) mong gặp Ông để thụ huấn thêm. Gọi là chiến khu nhưng đó chỉ là một điểm tập trung để huấn luyện chính trị như đồi NGA MY lúc trước, nó khác với chiến khu Yên Báy, hay chiến khu Bắc Sơn của Việt Minh. Tới Hòa Bình, họ được biết Lý Đông A đã di chuyển đi nơi khác, phải trèo đèo lội suối đi tìm, và bị sốt rét ngã nước nặng phải trở về Hà Nội, và ghé lại nhà bà Cả Cà, để nghỉ ngơi và thông báo tin tức.

12- CUỘC VIẾNG THĂM NGẮN NGỦI

Đối với Bà Cả Cà, tình thương đối với Lý Đông A còn hơn tình thương con đẻ. Từ khi người học trò của Bà rời Hà Nội, Bà rất mong nhớ và chờ tin tức, song Bà bận lo săn sóc Cụ Nguyễn Hải Thần đang tá túc tại nhà bà và phải giúp đỡ cho Cụ cải trang trốn về Trung Quốc. Qua những cán bộ Duy Dân ghé qua thăm, Bà dò tin tức chiến khu Hòa Bình để tìm kiếm Lý Đông A, nhưng thật khó khăn vì con Người lãnh tụ ấy, hành tung rất bí mật.  Nhưng sau mấy tháng kiếm tìm, bà CẢ có tin tức xác thực về nơi tạm trú của người học trò yêu, đồng thời là “Ông chủ” của Bà. Sau 3 ngày trèo đèo, lội suối, Bà đã tìm tới một căn nhà sàn nhỏ cheo leo trên núi. Theo chỗ bà kể lại, khi thấy người học trò cũ, bà suýt bật khóc, khi trông thấy anh LÝ gầy guộc, xanh xao, vẫn còn khuôn mặt thư sinh, đứng dậy chấp tay chào Bà rất lễ độ, rất nho phong. Sau vài ba câu chuyện hỏi thăm nhau, anh LÝ cho biết, trong 2 giờ nữa, anh sẽ di chuyển đến một chỗ khác. Trong cuộc đàm đạo, anh LÝ sau khi đã phân tích tình hình đât nước và quốc tế, và dự đoán các biến chuyển trong tương lai, anh Lý kết luận: “Những điều tôi vừa trình bày cùng Bà Cả, đó là những điều sát với thực tế, đó là cái nhìn theo biện chứng Duy Dân mà tôi đã nhìn thấy từ năm 1939 khi tôi ở trên núi Yên tử. Xin Bà Giáo nói với anh chi em đồng chí cứ nghiên cứu các tài liệu mà tôi đã viết sẽ thấy rõ, và xin Bà Giáo giúp tôi chuyển quyết định sau đây tới các chi bộ Duy Dân, nên phân tán mỏng, học tập kỹ càng tài liệu, lặng lẽ phổ biến tư tưởng Duy Dân tới các thế hệ kế tiếp. Cuối thế kỷ này, Dân tộc ta và nhân loại sẽ thức tỉnh sau khi các bạo quyền độc tài chuyên chế, thời cơ sẽ đến vào khoảng năm 2000.” Đó là lời dặn cuối cùng của nhà lãnh tụ Duy Dân.

13- CUỘC GẶP GỠ CUỐI CÙNG

Người tiết lộ cuộc viếng thăm của Bà Giáo tại chiến khu Hòa Bình cũng là một nữ chiến sĩ Duy Dân [cụ ĐT], đã kể lại, vào khoảng 4 năm sau, vào năm 1950 khoảng tháng 9, một hôm đang đi trên phố Hàng Bông Hà Nội được một Đồng Chí Duy Dân vẫy tay nói nhỏ: “Xin chị lên gác nhà tôi, có người muốn gặp”. Vừa buớc vào thì Bà sửng sốt vì gặp Lý Đông A, mặc quốc phục, quần trắng, áo thâm đen.

Cụ Đức Thụ mặc áo đậm ngồi giữa bốn người. Hà Thế Ruyệt, Phạm Thị Quang Ninh, bên phải ảnh, tại Washington DC, 1990.
(Hình tư liệu của ông Hà Thế Ruyệt)

Sau 15 phút tiếp xúc  hàn huyên, hỏi thăm tin tức, họ LÝ cho biết sắp tới giờ di chuyển đi nơi khác, bà phải ngậm ngùi chia tay, và đó là lần gặp gỡ cuối cùng của lãnh tụ Lý Đông A… Và từ ấy đến nay, con Người kỳ bí ấy không còn xuất hiện nữa.

14- KẾT LUẬN

Nói tóm lại, lãnh tụ Lý Đông A sinh ra tại Việt Nam, tha thiết với Dân tộc Việt Nam cùng với sự tha thiết với Đạo làm người trong Nhân loại.  Ông đã khai sáng nhiều văn minh tiềm ẩn trong Việt Đạo, cũng như khai quật các bước thăng trầm trong Việt sử, và tha thiết mai sau sẽ phục hoạt nền văn hiến Việt Nam, qua các đền thờ Quốc tổ từ trung ương đến địa phương.

Trong việc cai trị đất nước, Ông đã phác họa một bản đồ về cơ năng Hiến Pháp phân quyền giữa 5 cơ quan rõ rệt: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, Giám Sát và Giáo Dục.

Trong kinh tế, Ông chủ trương tự do tư hữu và tự do kinh tế.

Trong xã hội, ông chủ trương cá thể cùng tập thể sẽ hỗ tương trách nhiệm để cùng nhau tiến hóa và xây dựng thịnh vượng chung của Dân tộc.

Trong giáo dục, ông thể hiện đạo làm người trong chủ trương phát triển khoa học, xây dựng kinh tế để cung cấp nhu cầu cần thiết cho mọi người, giáo dưỡng Đạo làm cha mẹ, làm con, làm anh em, làm bằng hữu và người lãnh đạo đối với người Dân.

Ông đề nghị 6 nguyên tắc gọi là Lục Dân làm nguyên tắc chỉ đạo, để kiến thiết Quốc Gia và Dân tộc.

Người chiến sĩ chống Cộng trẻ tuổi nầy luôn luôn chủ trương 3 mục tiêu: Nhân Chủ, Nhân Bản, Hòa Bình và Hạnh Phúc, đã để lại một hệ thống tư tưởng Nhân chủ và Nhân Bản cho Dân tộc và Nhân loại làm sự nghiệp sườn cột cho chủ thuyết Duy Dân. Các chuỗi dài tư tưởng của chủ thuyết nầy nếu được áp dụng sẽ đem lại thực tế Nhân Chủ, Hòa Bình, và Hạnh phúc lâu dài cho Dân tộc Việt Nam, được hay không? Nhưng những điều mong ước ấy là chủ trương của lãnh tụ Lý Đông A. Từ năm 1950, không thấy lãnh tụ chính trị kiêm triết gia nầy xuất hiện trên chính trường VN nữa. Người thì nói ông ta đã bị CSVN thanh toán, song không thấy CS xác nhận có thủ tiêu vị lãnh tụ nầy, vì không có gì chứng liệu để lại. Có kẻ thì nói ông ta đang nhập tu ở một hang động trên triền núi Hy Mã Lạp Sơn như một tu sĩ YOGI (có người gặp). Dù sao có nhiều huyền thoại thêu dệt xung quanh con người kỳ bí nầy, và chúng ta cứ để các huyền thoại ấy trong mờ mờ ảo ảo, ai muốn tin thì cứ tin và chúng ta vẫn tôn trọng sự nghi ngờ có tính chất triết học (Philosophic doubt) nầy. Điều mà chúng ta cần giữ lại trong tư tưởng của chúng ta là trong lịch sử chính trị của VN có một lãnh tụ trẻ tuổi tài ba, đã hành động cứu nước, với một triết thuyết xây dựng quốc gia, hòa hợp những văn hóa Đông Tây, mà đến nay, chưa có một học thuyết chính trị nào bì kịp, đó là chủ nghĩa Duy Dân và vị tổ khai sáng nó là một thanh niên chưa đầy 28 tuổi tên: LÝ ĐÔNG A ./.

Tài liệu nghiên cứu của Lý Trường Trân

ký tên

————————————————

Ghi Chú của Thái Kinh Dương: 

                Vị nữ chiến sĩ Duy Dân mà Ông Lý Trường Trân đề cập tới ở trên, gặp Cụ Lý cuối cùng năm 1950 tại phố Hàng Bông là Bà Đức Thụ, ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, em Bà Đức Trạc, ở Nam California. Cả hai Bà tuy đã mất, nhưng là các vị mà các ông Vũ Hoàn, Trịnh Đình Thắng, Hà Thế Ruyệt, Nguyễn Thư Khoa tức Thái Thư, Trịnh Ngọc Bằng… nay tháng 09 năm 2020, vẫn còn sống, đều đã gặp. Chính Bà Đức Thụ, năm 1990 đã nói tại nhà Bà, với Thái Kinh Dương về sự gặp gỡ cụ Lý Đông A của Bà năm 1950 ở phố Hàng Bông Hà Nội đúng như sự kể lại ở trên của Ông Lý Trường Trân.

*****

Lời Kể Của Ông Đặng Đình Tất

Về Duy Dân Và Lý Đông A

Năm 1944, tôi được giới thiệu về Z (Duy Dân) qua một người bà con ở Chương Mỹ, cách Yên Thành, Yên Phúc ba cây số. Người này đã biết Duy Dân qua ông anh nhưng chưa hoạt động gì.

Tháng 2, 1946, tôi đang học Chu Văn An, lớp đệ Lục, Hà Nội rất lộn xộn. Đi xe điện đến Đông Dương Học xá thì thấy khẩu hiệu viết trên tường, đả đảo Việt Minh bắt thầy Nguyễn Gia Tường bất hợp pháp; rất nhiều khẩu hiệu trên tường vào học xá.

Cụ Nguyễn Gia Tường bị bắt vì tham gia phong trào Ngũ Xã, trung tâm phe quốc gia chống Việt Minh. Cụ Nguyễn Gia Tường cầm đầu cuộc biểu tình yêu cầu Hồ Chí Minh mời Bảo Đại ra trao trả quyền hành để thống nhất chuẩn bị chống Pháp. Chúng tôi đang học, cán bộ phe quốc gia đến yêu cầu bãi khóa, phản đối Việt Minh đàn áp phe quốc gia. Một sinh viên Hà Nội, Phan Thanh Hòa, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên, đứng ra triệu tập thanh niên học sinh, sinh viên, đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai phe quốc gia và Việt Minh; có sự tập họp học sinh lại, có cán bộ quốc gia đến kêu gọi.

Tôi có người anh, Đặng Đình Khiến, theo Việt Minh; còn tôi tập trung đi học, nghe ở Quan Thánh có chống Việt Minh. Hồi ấy anh Trần Thanh Hiệp cũng tham gia bên Quan Thánh. Ngay lúc đó, tờ báo Cờ Đỏ chạy tít ngang trang đầu: phải tiêu diệt bọn Trotskit. Phe Quốc gia làm tờ Chiến Luận. Sau đó có lệnh di tản. Về quê, Việt Minh đến bắt ông anh khác của tôi theo Duy Dân. Gia đình tôi có gia thế trong vùng. Cả làng theo Công giáo toàn tòng, riêng gia đình tôi thì không. Ông anh này của tôi đã hoạt động Duy Dân, Chi bộ 002 [Cán sự bộ 002]. Tôi nhanh chóng thu thập tài liệu Duy Dân đem đi; thấy thế, nó bắt tôi đứng lại, nhưng tôi chạy thoát. Sau đó quay lại xem tình hình thế nào thì nó bắt tôi luôn, nghi tôi là Quốc Dân Đảng.

Lúc đó Việt Minh đang mở chiến dịch thanh toán tất cả những ai tình nghi chống cộng sản. Nhờ có người trong họ can thiệp nên tôi bị đưa ra tòa ở Hà Đông chứ không bị bắt mang đi thủ tiêu như nhiều người khác. Tôi bị án tù ba năm, anh tôi hai năm. Tháng 11, 1946 bị đưa lên Phú Thọ. Sau đó thấy nhiều người cũng bị đưa lên: Lê Ninh (Lê Khang), Nguyễn Tường Thụy (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam, anh của Nguyễn Tường Tam), Bạch Thái Tòng, Phan Thanh Hòa (bị thủ tiêu trước Tết, đầu 1947). Sau đó tôi bị đưa lên Yên Bái, gặp các anh em thuộc nhóm ở Ôn Như Hầu được đưa về từ Thanh Hóa. Trong đó còn có nhóm Lục quân Yên Bái (do Trương Cao Phong – người Nhật lấy tên Việt) tổ chức, đã chạy sang Tầu, lại nghe lời Việt Minh quay về, bị bắt. Trong số anh em Duy Dân có ông Nguyễn Hữu Lẫm (sau có tập thơ “Dưới Thời Binh Lửa”, lấy hiệu là Việt Sỹ). Có đoàn chính phủ đến thanh tra trại giam do ông Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư Pháp, dẫn đầu. Ông Khánh cùng học luật với ông Nguyễn Hữu Lãm (còn gọi là Lẫm), nên ông Lẫm được tha về. Trong đợt này tôi nghe nói Việt Minh thủ tiêu trên dưới 500 người. Ông anh tôi chết vì bệnh. Tôi lại bị đưa về Phú Thọ. Một hôm trốn chạy thoát được. Đến 1948 tôi về lại Hà Nội. Tết 1949 về làng, sau đó ra lại Hà Nội.

Ông Hùng Giang, ông Chính Bằng (Phạm Văn Bằng) cùng giam ở Hà Nội với tôi trước đó, lúc đó đang ở Hà Nội. Cuối 1949 tôi gặp cụ Thái Nhân đang ở Hà Nội, do Chính Bằng liên lạc. Cụ Thái Nhân cho người bảo đến gặp, và bảo đến ở đó luôn đến 1950. Chính Bằng huấn luyện tôi về Duy Dân bảy ngày, mỗi ngày một tiếng.

Về cụ Lý: tôi ở gần cụ Đồ Mạnh (Phạm Văn Mạnh), được mọi người gọi là cụ

Cụ Đồ Phạm Văn Mạnh (râu dài, chống gậy).
(Hình tư liệu của ông Vũ Hoàn)

Đồ Bẩy, bậc cha chú của cụ Lý, đã tham gia nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp, hướng dẫn Lý Đông A về phong thuỷ theo triết lý Đông phương. Ông Khang, ông Nguyễn Quang Doãn (còn viết là Dzoãn), cháu cụ Lý (gọi cụ là chú) cho biết có người Tầu nó nói xoay hướng mảnh đất. Có lần cụ Đồ Mạnh điểm long mạch, táng sống cụ Lý. Lúc Lý Đông A ở Tầu về, có nói với cụ Đồ Mạnh tìm chỗ cho cụ ẩn vì Việt Minh sẽ lên. Chỉ mình ông Tiết, con thứ hai của cụ Đồ Mạnh biết chỗ ở của Lý Đông A. Lý Đông A đặt tên cơ sở Duy Dân ở đồi Nga My là thí nghiệm giáo dục trường. Tôi có tham dự một số lớp huấn luyện ở đấy.

Còn nhớ có anh Đoàn Viết Biên ở Mai Lĩnh cũng theo học, rồi bị bắt ở Nga My. Văn Tiến Dũng cho quân đến vây, ông Lý Đông A lên nói chuyện, nói không có tham vọng lãnh đạo, ai làm được thì nhường.

Về chiến khu Hòa Bình: Cụ Thái Nhân kể trước cuộc chiến ở Hòa Bình, Lý Đông A họp các trưởng chi bộ, ông không muốn có trận đánh với cộng sản ở Hòa Bình. Ông Đức Kính trắng thuộc phe quân sự, nhất định đòi đánh, đứng ra kêu gọi lập đội quân chống cộng sản ở Hòa Bình. Lý Đông A nói nếu thất bại, đừng tìm ông nữa.

Khi tôi tù ở Hà Nội, có một anh ở Hòa Bình cùng giam, nói: tại trại giam Hòa Bình, tù nhân phá trại giam, có một số chết. Sau này tôi đọc báo của Vũ Ngọc Các (báo Dân Chủ), thấy bài của Mặc Đỗ kể lại truyện tù nhân Hòa Bình phá trại giam do Lý Đông A chỉ huy. Sáng ra thấy 17 xác chết, nhưng không thấy Lý Đông A (1).

Đặng Thị Dung (bà Giáo) là người gặp Lý Đông A lần cuối ở Hà Nội. Khi ở Hòa Bình, ông ở nhà ông Đinh Công Lâm; sau sợ lộ, sang ở nhà Đinh Công Phủ; lại sợ lộ, lại đưa đoàn Lý Đông A đi chỗ khác (2). Bà Dung kể lúc đó có tay nải rớt xuống đất bị ướt, tối phải hơ cho khô. Bà phải đi tránh Việt Minh, khi quay lại lấy tay nải thì đoàn của Lý Đông A đã ra đi rồi.

Đầu 1964, sau khi ông Diệm đổ, tôi lên gặp Đinh Công Lâm ở Dak Lak. Lâm kể là Đinh Công Thái, người trong họ, khi Pháp chiếm Hòa Bình có tham gia trong đoàn lính Mường. Bà cả Chính (có hai con trai theo Lý Đông A bị mất tích) (3), gả con gái cho Đinh Công Thái. Lý Đông A ở nhà Đinh Công Thái trước khi cùng cả đoàn ra đi mất dấu tích.

Ông Loan, anh ruột Lý Đông A có cuốn sách do Lý Đông A để lại. Cụ Thái Nhân không dám dịch sang tiếng Việt, trả lại cụ Loan. Cụ Nhân nói xem thì sợ lắm, chỉ bậc hiền thánh mới hiểu.

Hàng ngồi, từ trái: Cụ Ba Liệu (người thứ hai), ông Nguyễn Như Loan (anh ruột Lý Đông A), ông Nguyễn Văn Ngọ (thuộc đảng Đại Việt) trong Ủy ban Vận động dựng đền thờ Quốc Tổ tại Sàigòn, năm 1970.
(Hình tư liệu của ông Vũ Hoàn)

Trong số tham gia trận Hòa Bình có anh Lý Quốc Việt, anh con nhà bác của anh Dương Ngọc Dược. Tôi còn nhớ đến cụ Ký Đản theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Trong số xuất ngoại sang Hoa Nam cùng với Lý Đông A cũng có người theo cộng sản. Cụ Ký Đản tính xuất ngoại, nhưng sau thấy đến Hoa Nam thì mọi người giải tán hết nên buồn tự tử. Cụ Ký Đản kể năm 1945, ngày 20/8 giỗ Đức Thánh Trần. Năm đó bão lụt, nửa đường không về được, cụ ghé một ngôi chùa bàn sấm, thấy một anh tên Trản độ 12, 13 tuổi, nói cụ đọc sấm nhầm rồi. Anh ta nói cụ Trạng Trình tính sai mấy năm. Một hôm có hai ông sư hỏi anh Trản đâu rồi (anh Trản vào chùa ở tránh đói). Tuy 12, 13 nhưng anh đã biết hết nho, y, lý số. Có lần ngồi giáng bút, họ thử anh ta xem có biết giáng bút không. Giáng xong, hỏi thì anh ta nhớ lại và đọc vanh vách. Cụ Ký Đản hỏi về Lý Đông A, anh này nhận mình là sư đệ của Lý tiên sinh (sấm Mai Cao Sơn có nói đến việc này). Trong thơ Lý Đông A, bài Vạn Niên Thư có câu “Sáu năm cung kiếm tình nửa gối. Kẻ trước người sau đều đoạn trường”, chắc nói đến người sư đệ này chăng?

Người ghi: Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt

Ghi chú: Ông Đặng Đình Tất kể qua Skype, ngày 03 tháng 6 năm 2016. Tiếc là chỉ ghi lại chứ không thâu âm.

————————————-

(1) Đêm 25-4-1947, thừa dịp đoàn cán bộ Huyện ủy các huyện Kỳ Sơn, Lạc Sơn ghé nghỉ chân tại trại giam, rồi Ban giám thị trại giam này tổ chức “liên hoan”. Anh em ta nhờ có ông Đinh Công Tuân liên lạc với chú là Lang đạo Đinh Công Nhân, đã đánh úp và giết sạch bọn chúng, giải thoát cho hơn 200 anh em đồng chí chạy vào rừng.

Sau Tỉnh ủy Việt Minh phải điều lực lượng vũ trang của tỉnh, bộ đội 3 huyện: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn; phối hợp với một tiểu đoàn chủ lực của Khu ủy tiến hành truy lùng. Khoảng một chục anh em miền xuôi bị bắt lại, đa số đồng chí Duy Dân đã tập trung lại ở khu vực huyện Lạc Sơn tiếp tục cuộc Duy Dân kháng chiến.

(2) Đoàn người theo Lý Đông A bị lộ sau khi ở nhà Đinh Công Phủ. Qua sự móc nối của Phan Lang, Đinh Công Phủ đã theo cộng sản từ lâu. Chính con trai cả của Phủ là Đinh Công Đốc cầm đầu đội lính tấn công đoàn quân Duy Dân ở Mường Diềm.

(3) Theo một nguồn tin khác thì chỉ con trai cả của bà Cả Chính đi theo Lý Đông A là ông Thái Khôi, không mất tích. Theo một nguồn tin khả tín (Thái Việt Duy Khang), sau 1975, ông này tới thăm mẹ ở Sài Gòn, cho biết Lý Đông A vẫn còn sống.

Cuốn Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh của Nguyễn Đăng Mạnh có đề cập đến bà Cả Chính (trang 129):

“Bà Cả Chính đã từng đưa Nguyễn Tất Thành qua Hải Phòng, Móng Cái, sang Trung Quốc gặp Lý Đông A ở Liễu Châu.

Hồi ấy, ở Việt Nam chưa có phong trào cộng sản.”

(Cập nhật ngày 18 tháng 10 năm 2020)

*****

LÝ ĐÔNG A

Chiến Sĩ Điển Hình Muôn Thuở Của Dân Tộc Đại Việt

Anh Hợp

Lý Đông A lên Hoà Bình với tâm trạng “Kinh Kha nhập Tần…” hoặc như Jésus vác thập tự trèo lên núi Sọ.

“Sao được tráng sĩ vài ngàn muôn
Cùng ta dong duổi khắp doanh hoàn
Lập lại non sông xưa Bách Việt
Dựng nên thế giới mới Duy Dân
Chèo sang một bến cực lạc
Vớt lấy năm bể trầm luân
Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy
Trở lại non sâu nhập niết bàn”.

(Trích Hứng Ngâm – Lý Đông A)

Lời tác giảBài này cũng như nhiều bài khác, (…) (1) đứng trên lập trường khảo cứu của nhà văn. Chữ (…) cốt để chỉ một nhân vật đã từng được tiếp xúc thân mật với Lý Đông A, tuy không ở đảng Duy Dân.

Vì muốn bài viết sống động, tác giả ghi chữ (…) thay tên thật.

Cuối mùa Xuân năm Bính Tuất (1946), Lý Đông A đi một mình về làng tôi, tôi cảm thấy hình như Lý có mang tâm sự gì u uất lắm, tuy anh vẫn cười nói như thường.

Chiều hôm ấy, giữa lúc chúng tôi đang ngồi bàn thiên hạ sự đột nhiên Lý nhìn rặng núi Tản Viên xa xa, chìm trong làn mây trắng thở dài, sau một hồi im lặng Lý hỏi tôi:

–  Anh nghĩ thế nào nếu Hiệp ước sơ bộ 6-3 của Hồ Chí Minh ký với Sainteny?

Tôi cười:

–  Nó chỉ là kế hoãn binh của cả hai bên để rồi lừa miếng hất nhau.

Chợt nhớ đến một “bí mật quân sự” tôi trổ ra để cược Lý:

–  (…) Họ Hồ cùng bọn Võ Nguyên Giáp, Vũ Hồng Khanh đã cúi đầu ký kết cho quân Pháp vào Bắc Việt. đúng ngày 6-3, có lẽ cả tụi họ chẳng hiểu gì về ngày đó quan hệ cho quân đội viễn chinh như thế nào.

Lý cười hỏi tôi:

–  Vậy thì anh thấy điều quan hệ ấy ra sao?

Được thể, tôi lên mặt nghiêm trọng:

–  Anh biết không? Trừ ngày ấy, không bao giờ Pháp có thể đổ bộ trực tiếp lên cảng Hải Phòng.

Lý Đông A làm bộ ngạc nhiên:

–  Ghê gớm thế cơ à? Tại sao vậy?

Tôi đắc chí, phách lối:

Làm chính trị mà không có sự hiểu biết thật sâu rộng thì nguy hiểm quá… Cả quốc gia, dân tộc bị thiệt hại, khốn khổ vì cái ngu tối của họ.

Tôi rút bút máy, vẽ phác hình thể duyên hải Bắc Kỳ rồi lên lớp:

–  Cảng Hải Phòng đối với sự tiến bộ của khoa hàng hải hiện đại thì không dám mang danh Hải Cảng của “bao lơn” Đông Nam Á nữa. Bao nhiêu là bất tiện về địa hình địa vật. Riêng điểm này đã vứt đi rồi: mực nước của nó không đủ sâu để các thương hạm, chiến hạm hạng nặng cập bến, đặc biệt một điều là suốt cả năm trời chỉ có ngày 6-3 nước thuỷ triều dâng cao tột độ, những hải hạm nặng hàng chục ngàn tấn có thể vào được dễ dàng. Bước sang ngày 7 thì nước lại rút dần xuống mực thường. Nếu bọn Hồ đừng vội nhượng bộ, tụi Pháp phải vất vả tốn nhiều xương máu lắm mới đặt chân được lên giải đất xứ này.

Lý Đông A lục cặp rút ra một mảnh giấy mỏng như giấy cuốn thuốc lá, chữ viết nhỏ li ti: Dịch bản mật điện của Tướng Leclerc, Tổng Chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương gửi Thiếu Tá Sainteny, Ủy viên Cộng Hòa Pháp Quốc tại Bắc Bộ.

“Tổng Tư lệnh lực lương Hải, Lục, Không quân của Pháp Quốc ở Thái Bình Dương, yêu cầu ông Ủy viên Sainteny hãy vì quyền lợi tối cao của nước Pháp mà ký kết cho xong thoả ước với chính phủ Hồ Chí Minh để quân Pháp vào Bắc Việt với bất cứ giá nào để thay thế quân đội trú phòng Trung Hoa.

Lý do: 6-3-1946 nếu quân Pháp không đặt chân lên đất Hải Phòng thì ít ra phải đúng 365 ngày nữa hạm đội Thái Bình Dương của Đại Pháp mới lại tiến vào cảng đó, nếu không muốn nói là không bao giờ. Ký tên…”

Thấy tôi có vẻ cụt hứng, Lý vỗ vai tôi, giải thích:

–  Cái này là của một đồng chí Duy Dân nằm ngay trong địch. Tôi nghĩ có lẽ họ Hồ có biết điều đó. Nhưng họ không quan niệm về quốc gia, dân tộc như chúng mình đâu. Về quân sự, ý kiến chúng lại càng khác nữa. Chúng sẵn sàng phá hoại, tàn sát hết cả dân lẫn nước. Tàu hay Tây chiếm nước, chúng chẳng cần. Miễn sao bọn Đệ Tam của chúng được sống còn là đủ. Có trí nhớ như anh hẳn chưa quên vụ Nga Sô ký hiệp ước với Đức Quốc Xã.

–  Ờ hờ! Bậy thật. Lúa mì, dầu hoả, quặng mỏ, bao nhiêu thứ cần thiết cho kỹ nghệ chiến tranh, Nga Sô đều cung cấp hơn cả con số mà Hitler đòi hỏi.

–  Ấy thế đó mà đảng Cộng sản Pháp đã ca tụng mãi hiệp ước Staline-Hitler. Vì thế, khi Hitler xâm lăng Pháp, tụi Therez-Duclos đã phát động phong trào hợp tác với địch.

Tôi tiếp:

–  Khi Đức tấn công Nga thì bọn chúng lại hô hào chống Pétain cùng phát xít.

–  Nếu vậy anh còn lạ gì châm ngôn: “Phương tiện nào cũng tốt cả, miễn là hữu ích cho ta” của Lénine. Đã biết rõ bọn chúng như thế ta phải liệu cách đối phó.

Nói tới đây hai tay anh nắm chặt, mắt rực sáng như nảy lửa, miệng mím chặt, quai hàm như bạnh nở. Tuy chưa được gần Lý nhiều, tôi biết rõ đặc tính con người của anh lắm. Thường thường anh hiền hoà, mềm dịu, yêu thương tất cả mọi người, nhưng khi bàn đến đại sự anh lại tỏ ra rất cứng cỏi, sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng hy sinh.

Để mặc anh ngồi mơ mộng, tôi lửng ra vườn, bỗng nhiên chị vú gọi tôi:

–  Cậu lên cụ gọi hỏi.

Tôi vội chạy lên gác chỗ thầy u tôi ở.

U tôi hỏi:

–  Nhà cậu đến chơi với mày tên gì, quê quán ở đâu?

–  Dạ anh ấy tên Nguyễn Hữu Thanh, quê tại đất Yên Tập-Hà Nam, bố mẹ cũng làm ruộng như nhà ta.

U tôi vẫn thường dậy tôi về lý số, bà nhắc lại nguyên tắc của Ma Y Thần Tướng:

–  Giao du kết bạn phải tìm những người như thế mới được.

Tóc đơn (?) thưa thớt mà dài,

Phương viên diện mạo là trai anh hùng.

Tôi im lặng ngẫm nghĩ về tướng Lý, u tôi tiếp:

–  Tao vẫn ngồi gác bên này, trông qua cửa sổ sang sân nhà mày để xem bạn mày ra sao. Cậu này được lắm.

Đoạn u tôi ngâm tiếp:

Đi như nước chảy quan sang anh hùng…

…Ngồi như núi mọc vững bền.

U tôi trỏ tay xuống dưới sân nói:

–  Tướng đi ấy là tướng Nguyễn Huệ. Cậu Thanh này được tướng đi đúng như thế!

–  Tướng ngồi đó chỉ có vua Chu Văn Vương và Hạng Võ. Cậu Thanh này còn được cả tướng ngồi nữa.

Tôi đâm cãi bứa:

–  Con đi còn nhanh hơn anh ấy nhiều.

Bà cụ phát cáu chửi luôn:

–  Mẹ mày… uổng công bà dậy, cái đi nhanh của mày là tối kỵ!

“Đi như vó ngựa chạy rông…”

–  Mày sống lâu được…

U tôi ngừng lại hỏi:

–  Có biết gì không?

Tôi không đáp. U tôi giảng thêm:

–  Cứ nhìn hình thù thấy rõ không thể sống lâu được mà lại ngu đần, nghèo đói nữa. Chỉ riêng tao mới biết, còn thì bao nhiêu thầy tướng đời nay lầm chết.

Mày được tướng nằm chữa được hết mọi cái xấu.

“Nằm như cung cuốn một bên nghiêng vào…”

Thầy tôi cắt đứt câu truyện tướng số:

–  Thôi! Mày mời cậu Thanh lên tao bảo ngay cái này, cần lắm.

Khi gặp Lý Đông A, thầy tôi đưa anh một quyển sách chữ nho chép tay, đóng bìa cây và ân cần nói:

–  Tôi trao tặng cậu! cuốn kỳ thư để mà hành đại sự. Đúng là quý vật đợi quý nhân. Nhà tôi có hai bộ sách (…) truyền lại. Một là tập Bạch Vân Sấm của Trạng Trình, hai là bộ An Nam đại địa của (…) (quan thái thú nhà Đường cầm quyền cai trị nước ta cách đây 11 thế kỷ). Chúng tôi vốn dòng họ Phạm, không hiểu duyên cớ nào mà lại có được “của lạ” ấy. Vì cả hai bộ sách đều thuộc vào loại “bí truyền” chứ nó không phải là những quyển sao lại của mọi người khác. Trong sách ấy cũng chỉ ghi là đời nọ truyền đời kia coi như (…) Nhưng nếu con cháu không đủ tài đức thì không dám truyền dạy bừa bãi, bởi dùng không đúng chỗ nó sẽ làm tan nát cả một thế hệ. Hồi Pháp khủng bố triệt hạ vùng Kiến An, Cổ Am không biết phải lũ chó săn khuyển nho mách bảo không mà chúng đặc biệt chú ý đến sách Sấm Trạng Trình. Chúng khám thấy nhà nào ghi chép một vài bài thôi là cũng đủ để chúng xích tay gia chủ đưa đi biệt tích. Ông tôi sợ quá đốt mất cả bộ Bạch Vân Sấm ký. Bấy giờ tôi đang làm thư ký cho hiệu cao của Tàu nên đem dấu diếm được bộ này.

Lý Đông A khiêm tốn nâng sách trả lại:

–  Nếu thế chúng cháu đâu dám lạm nhận. Anh H (…) đây cũng là bậc thông minh hiếm có, xin cụ trao cho anh.

–  Cậu đừng khách sáo. Nó không đủ chữ để đọc sách này. Ví thử nó hiểu nổi tôi cũng không dám giao. (…) nhà tôi chưa đủ phúc đức, vả lại tính nó nhẹ dạ, kiêu căng. Hơn nữa gia phả có viết rằng:

“Báu vật thuộc về tinh thần không giống như ngọc vàng, đừng ích kỷ giữ làm của riêng. Bao giờ gặp được người xứng đáng thì phải trao cho người ta”.

Lý Đông A mỉm cười:

–  Làm sao đo được mức xứng đáng?

–  Được lắm chứ, có điều nó không phải vật sờ sờ trước mắt ai cũng thấy được. Điều kiện cần thiết là người đó phải Đế chí Đế đức (mưu đồ đại sự, đánh Đông dẹp Bắc cốt vì thiên hạ nhân dân chứ không phải do tham vọng cá nhân. Trí, tài nếu không hơn ít ra cũng phải ngang với Cao Vương – tác giả).

Thầy u tôi ép mãi Lý Đông A mới nhận sách. Khi tôi rủ Lý cáo lui, bỗng thầy tôi gọi:

–  Này cậu, tôi quên mất điều này, cậu nên tìm đọc bộ Thái Ất Thần Kinh nữa, chính cụ Trạng Trình nhờ bộ này mà tìm hiểu thiên cơ.

–  Thưa cụ biết tìm đâu ra bây giờ?

–  Cậu giao dịch nhiều trong giới sinh viên trí thức may ra có cơ tìm được. Tôi xin mách chỗ tìm: một danh gia họ Trần vùng Nam Định. Dòng họ này được ngôi đất lớn ăn bền nên đã nhiều đời họ xuất thân bằng khoa bảng. Vào thời Gia Long, họ Trần có một người được làm Chánh sứ sang Tàu. Vốn là bực túc nho nên ông ta được nhiều quan to của Thanh triều quý mến, họ tặng ông rất nhiều cổ thư, cổ vật để làm kỷ niệm. Trong số đó có một bức tranh do chính tay vị Trạng nguyên học giả, kiêm thi sĩ đã soạn ra Tam Tự Kinh vẽ và bộ Thái Ất Thần Kinh. Như tôi biết hình như sách ấy cũng để chờ minh chủ, vì mặc dù danh nho nhưng họ Trần cũng không ai đọc nổi.

Lý Đông A vui vẻ chắp tay:

–  Đa tạ cụ đã mách bảo, cháu nhớ rồi.

Tôi hỏi dồn:

–  Ai thế? Anh có quen họ à?

–  Chỗ đi lại thân thiết mà. Người thừa kế chính của họ Trần lúc ấy là anh Đạm. Trần Đình Đạm đấy mà (anh Đạm hiện giờ viết báo trong này với bút hiệu Trần Thanh Đạm, những chuyện dịch Liêu Trai hoặc văn thi phẩm của Tàu cùng những bài bàn về khảo cổ v.v… vẫn thường đăng trên nhật báo Tiếng Vang và nhiều tạp chí khác, dưới bút hiệu Trần Thanh Đạm chính là Đạm mà Lý Đông A đang nói).

Xuống hết cầu thang, Lý bảo tôi:

–  Mai nhất định đi Nam Định nhé.

–  Tán thành. Tôi xin theo ông.

Đột nhiên nhớ đến mấy câu thơ của Lý Đông A, tôi chỉ tay vào quyển địa lý ngâm nga:

“Đại địa ngàn xưa không huyệt táng

Đan Thanh một điểm tự không thần”.

Tôi gọi người nhà thắp đèn, Lý gạt đi:

–  Định làm gì?

–  Để anh đọc sách.

Giọng Lý trở nên lạ lùng, khó hiểu:

–  Tôi sẽ đọc. Nhưng chúng ta “sau đây rồi nữa chỉ là chiêm bao”.

Lý vào đề trước:

–  Trở lại câu chuyện hồi nãy. Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản đã rước Pháp vào Bắc bộ để đi đến đâu?

Tôi cáu kỉnh:

–  Cái lũ mang tâm trạng của triều đình Tự đức. Bọn chúng thỏa hiệp với địch để giữ vững quyền lợi riêng tư. Truyện “giả đò diệt Quắc” từ thời Xuân Thu Chiến Quốc vẫn cứ được lịch sử nhắc lại mãi. Ca dao của ta có nhắc lại bài học muôn đời của nhân loại:

“Một nhà hai chủ không hoà,

Hai vua một nước ắt là chẳng yên”.

Tụi Cộng Sản Đệ Tam và phản động Pháp phải cắn xé nhau để tranh miếng thịt VN.

–  Cộng hay Pháp kẻ nào sẽ thắng?

–  Tụi Việt Minh chỉ bịp bợm để nắm chính quyền. Chắc vài tuần lễ thì chúng nó tan rã, nếu bị Pháp tấn công. Hãy trông lại Nam bộ làm gương. Chúng – bè lũ Cộng Sản miền Bắc phỉnh phơ “Bảo vệ thành đồng Tổ Quốc”, rồi quyên tiền, quyên gạo, mộ lính đưa vào Nam chiến đấu ủng hộ đồng bào Nam bộ. Tiền gạo chúng sơi hết. Lính vào quá Trung đã vội quay về. Bao nhiêu chiến sĩ miền Nam bỏ mạng vì chờ đợi chúng tiếp viện.

–  Đúng, chúng sẽ quật nhau, nhưng họ Hồ không thua đâu. Như ta đã thấy từ khi tác chiến Nam Bộ đến giờ, tại bất kỳ địa phương nào bọn VM cũng chỉ làm lấy tiếng. Khi cần phải chiến đấu chúng dụ Dân Quân, Tự Vệ ra làm bia đỡ đạn. Trừ khi gặp trường hợp bất đắc dĩ, có bao giờ chúng để lực lượng chính quy tham chiến.

Anh phải nhớ chúng thuộc một tổ chức quốc tế, rất dầy kinh nghiệm từ 50 năm nay, cả về quân sự lẫn chính trị. Đức Quốc Xã mạnh hơn Nga Sô cả 10 lần mà phải bại cũng vì mắc phải chiến thuật “Cá ngựa” của Nga Sô. Anh có biết chiến thuật đó thế nào không?

–  Bọn họ tiêu thổ, rút lui chờ mùa đông lạnh giá chứ gì?

–  Không đúng hẳn thế. Mấy điều vừa kể chỉ là phụ thêm. Điểm chính là kế hoạch của Tôn Võ Tử truyền lại. Tôn Tẫn đã đem dùng trong một cuộc thi ngựa. Hồi đó, Tôn Tẫn – cháu chắt dòng chính của Tôn Võ Tử – vẫn tựa nương tại dinh quan Tướng Quốc họ Điền. Thấy sắp đến ngày Tết mà Tướng Quốc buồn rời rợi, Tôn Tẫn bèn hỏi căn do. Điền Tướng Quốc phàn nàn rằng:

–  Lệ nước Tề tôi, cứ mỗi đầu xuân thì có một cuộc đua ngựa để khuyến khích việc võ bị. Từ vua đến các quan đều phải đưa ngựa ra chạy thi và cá tới hàng ngàn vàng mỗi đợt. Người nào thua cuộc chẳng những mất tiền lại còn bị phạt uống ba chén rượu. Mấy năm nay, chuồng ngựa của vua kén được những giống tuyệt hay, nên kỳ đua nào [tôi] cũng bị thua. Mất tiền thì không đáng kể nhưng phải chịu cái nhục các bạn đồng liêu chê cười.

Tôn Tẫn cười, đáp:

–  Tưởng gì. Việc đó tôi có thể giúp đỡ ngài thắng giải năm nay.

Tướng Quốc thở dài:

–  Dẫu tiên sinh giỏi đến đâu cũng không sao chuyển tình thế được. Mai ngày đã tới ngày thi rồi, làm sao mà tìm mua kịp được.

–  Không phải tìm chọn đâu hết. Cứ ngựa trong chuồng ngài cũng đủ sức thắng rồi.

Tôn Tẫn vạch ngay cách tính cho Tướng Quốc hay:

–  Đợt đầu, Tướng Quốc cá 1.000 lạng vàng. Nhà vua đưa ngựa hạng nhất ra thì Tướng Quốc cho đem ngựa hạng ba ra đấu. Dĩ nhiên ngài thua. Đợt nhì, Tướng Quốc tỏ vẻ cay cú đánh cược 2.000 lạng. Dĩ nhiên vua nhận lời ngay. Ngài cho ngựa hạng hai đua với hạng hai của vua. Lại thua nữa. Đến đợt ba, ngài cá hẳn 6.000. Nhất định nhà vua vui lòng đánh cược. Lúc đó, ngài tung ngựa hạng nhất của mình ra. Thể nào đợt này ngựa nhất của ngài dầu dở đến đâu cũng thắng nổi con ngựa thứ bét của vua. Bù trừ qua lại, Tướng Quốc vẫn được của nhà vua ba ngàn.

Theo đúng kế đó, quả nhiên Tề Tướng Quốc đã thắng đua ngựa năm ấy. Vua Tề ngạc nhiên hỏi:

–  Mọi năm, ngựa Tướng Quốc dở hơn ngựa ta nhiều, sao năm nay khá thế?

Tướng Quốc tâu thật:

–  Đó là nhờ tôn Tẫn hiền sĩ đặt kế.

Nghe xong tự sự, vua Tề khen:

–  Một phép tính mọn đã lợi hại như thế đủ tỏ vị này rất giỏi về mưu lược. Nếu làm tướng chỉ huy quân đội hẳn phải biến hóa thần diệu, đối phương không sao chống được. Đoạn, vua Tề rước Tôn Tẫn vào triều, tôn lên làm quân sư, nhờ đó mà Tề Quốc dựng nên bá nghiệp.

Lý Đông A tiếp:

Nga Sô đã áp dụng chiến lược ấy mà thắng Đức. Giờ đây nếu xảy ra xung đột Việt Pháp, chắc chắn họ sẽ chỉ tung Dân Quân Tự Vệ ra làm bia đỡ đạn và để địch tiêu hao dần dần. Trong khi đó, Vệ Quốc đoàn và Cảnh vệ sẽ được chấn chỉnh dần dần. Bọn này vừa học tập vừa bảo toàn lực lượng để giữ dân.

Nhớ kỹ điều này, phe cộng sản họ cần quân đội để làm áp lực với dân hơn là đánh giặc.

Nói tới đây Lý Đông A dục tôi đi ngủ. Gần suốt đêm anh lui cui bên ngọn đèn dầu để đọc tập địa lý Cao Biền dầy tới ngàn trang và dầy đặc những hình tượng trưng trời đất cùng các địa huyệt, mạch chìm, mạch nổi. Người như tôi trông vào mà cũng thấy hoa mắt chẳng hiểu đâu vào với đâu. Sáng sớm hôm sau, khi thầy u tôi cho mời anh sang uống trà, anh cầm theo tập địa lý và trịnh trọng trao trả thầy u tôi:

–  Thưa các cụ chúng cháu kỳ này phải bôn tẩu nhiều, không chắc sau này còn được hân hạnh gặp cụ. Mang theo trong mình e thất lạc thì uổng mất. Thầy u tôi phàn nàn:

–  Hoài của! Cậu không đọc biết trao ai xứng đáng bây giờ?

Lý Đông A cười:

–  Vì đọc rồi, thuộc rồi nên cháu mới gửi lại các cụ để sau này người khác còn dùng được. Biết rồi mà còn cố giữ là tham lam, ích kỷ.

Cả thầy u tôi và tôi đều kinh ngạc hỏi kỹ lại:

–  Tối qua anh đã đọc hết rồi ư?

Lý điềm nhiên đọc những câu văn Hán trong sách rồi dịch luôn ra tiếng Việt, trong khi thầy tôi mở từng đoạn kiểm lại. Xong xuôi Lý còn ra đứng cạnh cửa sổ, chỉ tay về phía sông núi trước mặt và giảng giải về những đường khí mạch của đất chạy ngầm, chạy nổi thế nào.

Thầy tôi lắc đầu:

–  Quả thật thánh nhân giáng thế. Nhiều tay lý số giỏi vào cỡ bực thầy tôi mà nghiền ngẫm mãi cũng còn chưa hiểu gì. Nào ngờ cậu chỉ xem có một lượt đã thuộc lòng lại thấu hiểu rất sâu sắc.

Bàn giảng về sách địa lý xong, Lý Đông A trao tôi tập thơ và dặn dò:

–  Cất kỹ đi. Sau này, không còn dịp gặp nhau nữa đâu.

–  Sao lại nói gở vậy?

–  Nhiệm vụ của tôi tạm gọi là viên mãn rồi. Tôi đã tới kỳ: “Trở lại non sâu nhập nát bàn” (2).

Tôi cười không đáp. Lý Đông A cũng cười, vui vẻ:

–  Lúc này cậu vẫn còn mê lý thuyết đại đồng Duy Vật của Mác Xít nên cậu chưa hiểu nổi, nhưng tôi biết trước 20 năm nữa đến người thừa kế có nhiệm vụ “Thực hiện xã hội Duy Dân” thì anh mới hiểu những lời tôi nói ngày nay.

Vẫn vẻ tươi như thường, Lý tiếp:

–  Tôi đi Hoà Bình (3) ngay ngày hôm nay. Anh em Duy Dân vùng Sơn Tây Hoà Bình nắm chính quyền nhiều chỗ. Cuộc võ trang khởi nghĩa sắp bùng nổ. Tôi không đồng ý vì họ đã nhìn vào cái lợi trước mắt. Dầu vậy tôi vẫn phải nhận lãnh trách nhiệm.

——————————–

Ghi chú: Câu chuyện của tác giả Anh Hợp được đăng trên báo Sóng Thần, xuất bản năm 1974 tại Nam Việt Nam.

(1)        Những chỗ ba dấu chấm (…) đứng rời một mình là những nơi bị nhoè, không còn đọc được.

(2)        Câu cuối trong bài thơ Hứng Ngâm của Lý Đông A.

(3)        Mặc dù không đồng ý với đa số về cuộc khởi nghĩa ở Hoà Bình giữa đảng Duy Dân và cộng sản, nhưng vì là thiểu số nên ông Lý Đông A đành phải theo quyết định chung, vào Hoà Bình để chỉ huy trận đánh. Trận chiến thất bại, rất nhiều đảng viên Duy Dân hy sinh. CSVN cho rằng đã giết được ông Lý trong trận này nhưng nhiều người cho biết vẫn còn gặp ông từ 1946 tới 1950, trong một buôn Mường tại vùng biên giới Việt Lào.

*****

Vài Mẩu Chuyện Về Lý Đông A

(Theo Nhiên Hòa)

  • Cụ thân sinh tôi là Thái Nhân, Cán sự trưởng Cán sự bộ 002. Cụ cho biết có duyên gặp được cụ Lý nhờ thường giúp đỡ những người yêu nước nên được một đồng chí Duy Dân giới thiệu cụ với Lý Đông A (LĐA) từ đầu năm 1940, trước khi cụ Lý đi Lạng Sơn tham gia Phục Quốc Quân. Cụ thân sinh tôi hơn cụ Lý 20 tuổi nên cụ Lý để hai người gọi nhau bằng “tiên sinh” cho tiện. Lúc đó cụ thân sinh tôi đang nghiên cứu y lý số và dịch học. Một hôm cụ Lý đưa cho cụ thân sinh tôi một lá số tử vi bảo xem thử. Ít hôm sau cụ Lý trở lại và cụ thân sinh tôi nói đại ý: “Đây có phải lá số của Tiên sinh không. Lá số quí quá, lạ quá, nhưng sao vất vả đọan trường thế. Mà cuối đời lại trở thành một đạo sĩ.” Cụ Lý cười bảo: “Coi thế cũng khá rồi đấy” nhưng không nói gì thêm nữa.
  • Cụ thân sinh tôi cũng kể cho tôi nghe một số chuyện đáng chú ý về LĐA. Đầu năm 1945, LĐA đến nhà cụ thân sinh tôi ở làng quê, trải một tấm bản đồ ra, chỉ vào một địa điểm thuộc tỉnh Hòa Bình và nói: “Tây vừa bắt được một vài cán bộ cao cấp của CS tại vùng này”. Cụ thân sinh tôi mừng rỡ nói “Như vậy chắc chúng nó sẽ yếu lắm.” LĐA lắc đầu nói “Tiên sinh không biết đâu. Vận nó đang lên đấy.” Cu thân sinh tôi nhất định không chịu tin. Đến mùa hè năm đó (1945), cụ Lý lại đến và bảo cụ thân sinh tôi chuẩn bị hành trang đi với cụ Lý độ 2 tuần. Hai người đến nhà một người đồng chí tại Ninh Bình mượn 2 căn phòng. Cụ Lý vào phòng trong ngồi thiền, dặn cụ thân sinh tôi ở phòng ngoài không cho ai vào, giờ cơm nước thì cụ ra và hai người dùng cơm. Cụ Lý dự định tĩnh tâm trong vòng 2 tuần để chiêm nghiệm tình thế. Đến tuần thứ 2 thì cụ Lý nói với cụ thân sinh tôi là xong rồi, chuẩn bị về nhà. Trước khi chia tay, cụ Lý nói với cụ thân sinh tôi đại ý: mùa thu này Việt Minh sẽ lên, thời cơ của chúng ta chưa tới, chúng ta phải rút vào bí mật. Cụ cũng cho biết sẽ chính thức ra lệnh giải tán Tổng Đảng Bộ (TĐB) đảng Duy Dân, nhưng dặn cụ thân sinh tôi chưa được cho ai biết việc này.
  • Sau khi Việt Minh lên, vào đầu năm 1946, cụ tôi ở nhà quê và tình hình hết sức căng thẳng. Một hôm có một đồng chí từ Hà Nội đi xe đạp về làng nói với cụ tôi phải ra ngay Hà Nội để gặp cụ Lý. Cụ thân sinh tôi nói với người liên lạc là cụ không thể đi được vì chắc chắn sẽ bị theo dõi và sẽ lộ ra chỗ ở của cụ Lý. Ngày hôm sau, người liên lạc trở về làng lấy ở trong xe đạp ra một cuộn giấy nhỏ, mở ra chưa bằng một bàn tay, chữ viết li ti. Đó là chỉ thị của cụ Lý chính thức giải tán TĐB và chỉ thị mọi nơi rút vào bí mật, tự động hoạt động theo đúng kế họach chung, không cần chờ lệnh của ai. Sau đó tình hình hết sức nguy kịch, cụ tôi phải di chuyển và ẩn trốn nhiều nơi trước khi ra được Hà Nội. Do đó chỉ thị kia đã không còn giữ lại được.
  • Năm 1965, một đồng chí của cụ thân sinh tôi kể rằng từ 1946 đến 1950, ông này theo LĐA lên sống tại vùng biên giới Lào-Việt, đến 1950 thì được LĐA ra lệnh tất cả những người theo ông phải trở về Hà Nội, ông chỉ giữ lại một ít người cùng theo ông vượt qua biên giới sang đất Lào, và dặn chỉ được tiết lộ việc này từ sau năm 1965. Từ đó ông này không nghe tin tức gì nữa.
  • Trong thời gian bị giam tại Chí Hòa (1979-1988), tôi ở tù chung với ông Cao Dao, nhà báo, chuyên viên tình báo. Ông này cho biết thời kỳ cụ LĐA còn mang tên là Nguyễn Hữu Thanh, thường đến đọc sách ở Thư Viện Quốc Gia tại Hà Nội. Buổi trưa, ông Thanh thuờng ra ngồi dưới gốc cây ngoài sân nói chuyện với một vài sinh viên, trí thức trẻ như Nghiêm Xuân Hồng, Lê Ngọc Chấn… về các cuốn sách ông ta đã đọc. Ngô Đình Nhu lúc đó đang là Thủ thư, thỉnh thoảng cũng tham gia các buổi nói chuyện này và tỏ ra khâm phục. Khi ông Nhu lập đảng và làm báo để vận động cho ông Ngô Đình Diệm, có nhờ Cao Dao đi tìm ông Nguyễn Hữu Thanh nhưng không được. Khi ông Ngô Đình Diệm chấp chánh và ông Nhu làm Cố vấn chính trị, ông Nhu lại nhờ Cao Dao đi tìm LĐA. Một lần Cao Dao qua Lào, có dịp gặp được một sĩ quan cấp Tướng người Việt Nam trong quân đội Hoàng Gia Lào. Người này là một cán bộ Duy Dân mà Cao Dao có quen biết khi còn ở Hà Nội. Cao Dao hỏi chuyện, được biết ông này theo LĐA sang Lào, và được LĐA dặn tham gia quân đội Lào. Cao Dao hỏi về LĐA thì ông ta nói không biết gì, hình như LĐA đã sang Miến Điện, và cho Cao Dao tên một người ở Miến, hy vọng có thể biết chỗ ở của LĐA. Một lần khác có dịp sang Rangoon, Cao Dao tìm đến người kia, lúc đó đang là chủ một tiệm sửa xe gắn máy. Người này chối, nói không biết gì, sau gặng hỏi mãi và nhắc đến người sĩ quan ở Lào, thì chỉ được ông này cho biết LĐA đã lên vùng núi phía Tây Bắc Miến Điện đã từ lâu và ông ta không biết thêm gì nữa.
  • Năm 1987, Trần Thị Thức, khi đang bị CS giam tại trại giam Phan Đăng Lưu (khám Gia Định cũ) vì tội “liên lạc người nước ngoài và tham gia tổ chức vượt biên” thì được ông Lý Trường Trân, cựu Dân Biểu VNCH, cũng đang bị CS giam giữ trong biệt giam trước mặt phòng giam của Trần Thị Thức, cho biết là cụ LĐA còn sống.
  • Năm 1993, Đoàn Viết Hoạt, sau khi bị kết án 20 năm tù giam, bị đưa lên trại lao động cải tạo Hàm Tân, gặp được ông Lý Trường Trân, hỏi về việc này. Ông Lý Trường Trân cho biết trước 1975, khi ông Vũ Văn Mẫu còn làm Ngoại trưởng VNCH, trong một lần công du Népal, được một người Việt ở đó cho xem một tấm hình chụp ba người đứng dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Người này chỉ vào một người trong tấm hình và nói đó là Lý Đông A, hiện đang tu trên núi Hy Mã Lạp Sơn đấy.
  • Cụ thân sinh ra tôi đã mất từ năm 1986, nên cụ không được biết điều này. Biết đâu đây chẳng là sự thật như lá số tử vi cụ đã xem, mà cụ tin chắc là của LĐA.

(Nhiên Hòa soạn, 2010)

__________________________

Lá Số của LĐA theo Thái Nhâ(Cụ Lang Nhân)

Trong quyển số tử vi gia đình, Cụ Lang Nhân có lưu lại lá số của cụ LĐA như sau:

“Kiểm nghiệm và xét lại môn Tứ trụ, thấy Tiên sinh mệnh (năm) Canh Thân này được cách Tài Sát cách. Dụng thần là Hoả – Tài thần, ngày sinh là Nhâm Dần, tháng là Mậu Tý mà giờ là Đinh Mùi. Mậu Thất sát hiện ra ở Nguyệt can, Đinh Hoả chính Tài hiện ra ở thời can (can của giờ) toạ Mùi trong có Đinh. Trong Dần có Bính Hoả và là Dần Mộc sinh Hoả, chỉ vì Nguyệt lệnh là Tý vượng Thuỷ, lại hội với Thân niên có Canh Kim, Thân – Tý (Thân) là Trường sinh của Thuỷ, (Tý) là Đế vượng của Thuỷ lại hội thành Thuỷ cục.

Do đó Thuỷ quá vượng, Mệnh quá cường kiện cho nên phải vào Nam phương Hoả vượng Thổ cường, Thân và Tài Sát đều khoẻ mới phát được.
__________________________________

Theo cụ Lang Nhân ghi thì ngày tháng năm sinh của Cụ LĐA là:

Âm lịch                             Dương lịch
Năm Canh Thân                    1920
Tháng Mậu Tý (11)                  12
Ngày Nhâm Dần  (01)              10
Giờ Đinh Mùi                   13:00 – 15:00

Dương Lịch – Âm Lịch & Bát Tự
Năm Tháng Ngày Giờ
1920 12 10 (Thứ Sáu) 14:00 (VN)
Canh Thân
Mộc
Mậu Tý
Hỏa
(11 Đủ)
Nhâm Dần
Kim
(Mồng 1)
Đinh Mùi
Thủy

<=====  Ký Trình – Thống Nhất Các Đảng Phái Quốc Gia

Hiệu triệu kháng chiến  =====>