Tiểu sử
THÁI DỊCH LÝ ĐÔNG A
và Hoạt Động của Đảng Đại Việt Duy Dân
I. Trước Khi Hoạt Động
- Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh [1], hiệu Thái Dịch [2] [3], sinh năm 1920 [4] tại làng Bối Cầu, xã Yên Tập, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
- Lúc 7 tuổi, gia đình gửi vào sống trong chùa Phủ Lý Nhân.
- Năm 14 tuổi, thi đậu Sơ học Pháp Việt [5].
- Ra khỏi chùa, Lý Đông A (LĐA), lúc này vẫn mang tên Nguyễn Hữu Thanh (cho đến khi sang Tàu hoạt động mới lấy tên Lý Đông A – xem Phụ Lục 1), đi Hà Nội tá túc trong Chùa Quán Sứ [6]. Cậu tự học tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc sách của Thư viện Quốc Gia và Thư viện Viễn Đông Bác Cổ. Cậu Thanh muốn đọc sách tại Thư viện Viễn Đông Bác Cổ nhưng không có cách nào mượn được, cứ lân la trước cổng. Một hôm cậu gặp Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ trong đó ra, bèn nhờ bác sĩ mượn dùm. Tuy ngạc nhiên nhưng ông Chữ cũng đứng tên mượn giúp. Cậu Thanh đem về nhà một đống sách, nhiều cuốn thuộc loại chuyên môn của bậc đại học mà cậu đọc rất nhanh rồi trả lại thư viện. Ông Chữ đã tìm cách thử xem cậu có “đọc và hiểu” hay không? Bác sĩ Chữ hỏi tới đâu, cậu Thanh không những trả lời thông suốt tới đó mà còn đưa ra những nhận xét riêng rất độc đáo!
- Rằm tháng Giêng 1936, cậu được nhà cách mạng Hải Kình đưa đi Huế thăm cụ Phan Bội Châu, gặp Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, ông Lê Quang Oánh (sau làm Linh mục, cho biết cuộc gặp gỡ này). Ngoài ra còn có các ông Lê Toàn và Nguyễn Văn Phất cũng đến thăm cụ Phan. Cậu ở lại đó 25 ngày, được cụ Phan giảng dậy Kinh Dịch, triết học Duy vật Mã Khắc Tư (K. Marx), Lư Thoa (J.J. Rousseau), Mạnh Ðức Tư Cưu (Montesquieu). Cụ còn truyền cho cậu kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động cách mạng của cụ.
II. Hoạt Động Giai Đoạn Đầu Tại Việt Nam
- 1936-1937: Trở lại Hà Nội – Hải Phòng.
- 1937-1939: Rời Hải Phòng lên núi Yên Tử, bắt đầu sơ thảo về hệ tư tưởng Thắng Nghĩa và Việt Duy Dân Quốc Sách Đại Cương Thảo Án Toàn Pho. Trong tài liệu có tên Giới Thiệu, ngay câu mở đầu, Lý Đông A viết: “Ta sơ thảo bộ chủ nghĩa này năm 1937, tu chỉnh và hoàn tất nó ở xứ người” (LĐA, Giới Thiệu). Ông cũng lập Đảng Đại Việt Duy Dân tại núi Yên Tử. Tiểu tổ hạch tâm đầu tiên họp ngày 15/9/1937. LĐA “đứng ra tuyên thệ chịu trách nhiệm lãnh đạo Đảng Duy Dân“, lấy bí danh là Thuần. Các ủy viên khai sáng ngày nay đã khuất, như Tư Long, Thái Kim, Việt Bằng, Hoài Nam, Đỗ Khuê. Ông Nguyễn Duy Mỹ tức Tư Long bị Việt Minh ám sát tại ấp Thái Hà tháng Tư năm 1945; ông Việt Bằng bị giết ở Cao Bằng; cụ đồ Khuê chết bệnh năm 1946.
- 9.1940 – 12.1940: Theo sự dặn dò của cụ Phan Bội Châu, LĐA lên Lạng Sơn và được chỉ định làm Ủy viên Chính trị cho Kiến Quốc Quân của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội do Trần Trung Lập làm Tổng Tư lệnh. Sau khi lực lượng Kiến Quốc Quân khởi nghĩa đánh vào Lạng Sơn ngày 22.9.1940 bị tan vỡ, một số binh sĩ vượt biên giới tập trung bên trên Đông Hưng dưới sự chỉ huy của Vi Văn Lưu, một số khác tập hợp tại Liễu Châu dưới sự chỉ huy của LĐA, đây là bộ phận quân sự của Đại Việt Duy Dân Đảng [7].
III. Hoạt Động Tại Hoa Nam
- 1941-1942: Bị Tưởng Giới Thạch bắt giam một thời gian cùng nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại Hoa Nam lúc đó. Lý Đông A ở tù chung với Nguyễn Tường Tam, ông Lý thuyết phục ông Nguyễn Tường Tam chấp nhận học thuyết Duy Dân theo di chỉ của cụ Phan Bội Châu với câu nói: “Dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân”.
- 1942: Đồng Minh can thiệp với Tưởng Giới Thạch để thả những nhà cách mạng Việt Nam tại Hoa Nam đang bị giam giữ. Ra tù, LĐA thuyết phục các phe quốc gia tại Hoa Nam thống nhất trong một mặt trận chung, lấy Duy Dân làm hệ tư tưởng nhưng phân thân thành nhiều tổ chức để tránh Pháp và cộng sản (CS) tiêu diệt. Ông Nguyễn Tường Tam tự tay viết “Ký Trình” (Báo Cáo – Cống Hiến Ý Kiến – Yêu Cầu) [8] có bốn người ký tên là Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Lý Đông A. Ký xong, ông Nguyễn Tường Tam giao cho LĐA mang về Việt Nam đưa ông Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) tìm ông Trương Tử Anh để ký tên vào, nhưng không tìm được nên chỉ có đại diện ông Trương Tử Anh ký cho đủ năm chữ ký. Ông Nguyễn Tường Long giao cho ông Như Phong Lê Văn Tiến, bí thư của Nguyễn Tường Long giữ. Khi di cư vào Nam năm 1954, ông Lê Văn Tiến đem theo và cất giữ cẩn thận. Trước 30.4.1975, Nguyễn Tường Thiết, con ông Nguyễn Tường Tam đến chào để di tản, ông Lê Văn Tiến đưa bản Ký Trình cho Nguyễn Tường Thiết mang đi. Hiện nay bản này được giữ trên bàn thờ ông Nguyễn Tường Tam tại nhà ông Nguyễn Tường Thiết ở Seattle, Washington.
IV. Hoạt Động Khi Trở Về Việt Nam
- 1.1.1943: Ra mắt Tuyên Ngôn Thành Lập Tổng Đảng Bộ Đảng Đại Việt Duy Dân tại Hoà Bình.
- 1945: Thành lập trường đào tạo cán bộ và chiến khu Nga My (Ninh Bình), tức Làng Mơ với khoảng hai trăm người. Việt Minh Cộng Sản cho quân đến bao vây và đánh chiếm đồi ngay ngày 2 tháng 9, trường huấn luyện tan vỡ, rất nhiều đảng viên đã hy sinh [9].
(Bản đồ trích từ tài liệu của ông Lê Huệ)
- Đầu 1946: Phe quân sự của Đảng Đại Việt Duy Dân chủ trương lập chiến khu tại Hoà Bình để vừa đánh CS, vừa đánh Pháp. Theo ông Thái Hùng B, một đảng viên Duy Dân cho biết thì ngày 12.2.1946, Hiệu Triệu Kháng Chiến đã được soạn thảo tại chiến khu này. Tháng 3 năm 1946, tàn quân của Pháp vận động từ trong Nam ra ngoài Bắc thay thế quân đội Tàu trong việc giải giới quân đội Nhật Bản thất trận. Việt Minh và Pháp ký Hiệp Định Sơ Bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, hằng ngày cùng đi tuần tiễu chung trên xe Liên Kiểm có cắm cờ Pháp và cờ Việt Minh. Gần cuối tháng 2 năm 1946, do sáng kiến của hai nhân vật Duy Dân là ông Thái Lăng Nghiêm (trong Tham Mưu Biệt Bộ [10] của Tổng Đảng Bộ Duy Dân) và ông Đức Kính (sĩ quan tốt nghiệp trường Hoàng Phố ở hải ngoại về nước) lấy quyết định khởi nghĩa tại Hoà Bình, từ vùng đất của họ Đinh để giành lại chính nghĩa kháng Pháp. Khi biết tin, ông Lý Đông A không cản được, phải từ Hải Dương vội vã vào Hoà Bình để quan sát tình hình.
- 04.1946: Một cuộc đụng độ giữa quân Duy Dân dưới sự chỉ huy của hai ông Thái Lăng Nghiêm và Đức Kính với quân Việt Minh đã xảy ra tại Hoà Bình. Trong cuộc giao tranh, ông Lý Đông A ở đoạn hậu, không lâm trận. Cuộc nổi dậy bị quân Việt Minh dẹp tan. Có hai nguồn tin sau đó: (1) Lý Đông A bị giết tại trận tiền, (2) Lý Đông A đã rút khỏi và không rõ đi đâu. Cho đến nay, không ai rõ sự thực ra sao, còn Lý Đông A thì trong tình trạng thất tung (theo báo cáo của đảng bộ Hoà Bình thuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam, tháng 4.1946, chính quyền Việt Minh Cộng Sản đem quân đánh tan căn cứ này [11], nhiều đảng viên Duy Dân tử trận. Báo cáo này tường trình là đã giết được một người có tên Trần Khắc Tường mà họ lầm tưởng là Lý Đông A. Báo cáo cũng tiết lộ tháng 4.1947, các cán bộ, đảng viên Duy Dân bị địch bắt giam đã phá nhà giam giải thoát cho hơn hai trăm tù nhân).
- Trước đó, ông Lý đã ra lệnh giải tán Tổng Đảng Bộ, chủ yếu là để bảo toàn chủ lực. LĐA ra lệnh cho toàn bộ đảng viên “chìm vào đáy tầng”, thực hiện công việc “xây dựng chủ lực dân tộc”. Cụ Thái Nhân, Cán Sự Trưởng Cán Sự Bộ 002 [12], đã được LĐA cho biết tin giải tán này từ mùa hè 1945.
- Sau khi chiến khu Hoà Bình thất thủ, một số cán bộ, đảng viên Duy Dân đi lên vùng có năm châu người Mường ở Thanh Hoá, số khác dạt về khu Bùi Chu-Phát Diệm [13] của Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Ông Bùi Tấn Diễn lên châu Lang Chánh là châu Mường lớn nhất vùng Điền Lư (do có chị dâu là em gái ông Hà Công Thắng, Mường trưởng). Ngoài ra, còn có các ông Lê Vinh [14], Thái Voi (vì to con), ông Độ và Bùi Huy Giá [15] ở châu khác, tất cả sống như người Mường. Ông Hà Công Thắng chỉ huy dân quân năm châu gây lực lượng, mọi người đều mong gặp được ông Lý nhưng không gặp. Có năm người Nhật huấn luyện dân quân cho ông Thắng. Việt Minh giao cho ông Thắng chỉ huy năm châu. Vùng các ông Lê Vinh và Bùi Huy Giá trú ngụ, có vũ khí, bắt được người của Việt Minh [16].
- Những năm 1946-1947, dựa vào khu tự trị Phát Diệm [17] làm nơi liên lạc, các đảng viên Duy Dân tập trung lực lượng, “lấy danh nghĩa là những người Việt yêu nước, chứ không lấy danh nghĩa của tổ chức” tiếp tục đấu tranh. Ông Lê Xuân Nguyên được “uỷ nhiệm thành lập lực lượng du kích vừa chống Pháp, vừa chống Cộng sản ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình”. Ông Lê Minh Chính “được uỷ thác đi Trà Cổ, Móng Cáy để mua khí giới”, có ông “Tống Trung Dung hộ vệ ra bến đò. Khi hai anh qua đồn thì công an nhảy ào ra bắt được Dung, Chính nhanh chân chạy thoát, tay mang cái cặp đựng tiền”. Sau đó ông Chính vượt thoát về Hải Phòng, còn ông Dung chết, xác tìm được dưới giòng sông Ân Giang. Khi vớt lên, “thi thể đầy thương tích, hai tay vẫn bị trói”. Họ có ý định chiếm giữ các tỉnh miền duyên hải vì “là vựa lúa miền Bắc, dân số lại đông, nhờ khu an toàn Phát Diệm để chỉnh đốn hàng ngũ”, nhưng “công việc đang tiến hành tốt đẹp lại xảy ra vụ bạo động ở Phát Diệm” khiến các đảng viên lần lượt rút khỏi nơi đây đi lên vùng Phượng Viền. Ông Nguyên “thường xuyên bị Việt Minh theo dõi, chờ cơ hội là bắt. Những phần tử chống Cộng coi là nguy hiểm bị thủ tiêu ngay, một số đông thuộc đủ mọi thành phần ở trong các tổ chức khác bị giam ở Đầm Đùn, chờ bị chết dần mòn vì nước độc hay tra tấn”. “Bên Nam Định, vùng Hải Hậu, anh em cũng ráo riết hoạt động… Những lớp huấn luyện quân sự gồm nhiều thanh niên được tổ chức ở vùng Quần Phương” [18]. Các đảng viên Duy Dân còn có ý định tấn công trại Đầm Đùn để giải thoát cho những đảng viên của mình và các đảng khác bị giam giữ tại đây, giao cho quý ông Lê Văn và Phạm Ngọc Luỹ [19] với một cựu Thiếu uý trong quân đội Pháp, Phạm Ngọc Hàm, trại trưởng trại giam làm nội ứng nhưng kế hoạch bất thành, không thực hiện được.
- Hai ông Giáo Kiên (tức Trần Nguyên Bình, còn có tên là Đức) và Phạm Ngọc Chác “có ý định vào Nam, thăm vùng Hoà Hảo, nơi tinh thần chống Cộng rất mạnh, và muốn thiết lập đường dây thường xuyên Hải Phòng-Sài Gòn. Nhờ ông Luỹ làm ngành hàng hải, quen nhiều bạn ở Sài Gòn sắp xếp nên từ 1952, quý ông Kiên, Chác và Trần Bá Lân đã hoạt động trong Nam. “Ba người gặp tỉnh bộ Dân Xã Lâm Thế Xương đề nghị gây cơ sở văn hoá, mở lớp dạy học lúc đầu còn ở đình làng Kiến An”. Phật Giáo Hoà Hảo đang tiến hành mở rộng khu vực Đồng Tháp. Về đêm, Việt Minh lén từ mạn sông phía sau nhà, đặt mìn trong văn phòng của Nguyễn Giác Ngộ ở Chợ Mới, gần bến đò Quảng Nhung, bên kia sông là cù lao Ông Chưởng. Mìn nổ sập trụ sở. Lân bị thiệt mạng ngay tại chỗ” [20].
V. Hoạt Động Của Các Đảng Viên Duy Dân Từ 1954 Đến Nay
Miền Nam Việt Nam
- Năm 1954 với tư cách là Đại biểu chính phủ ở Bắc Việt, ông Lê Quang Luật đã chủ trì công tác di tản đồng bào tỵ nạn tại miền Bắc đi vào Nam. Năm 1954, khi ông Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại cử làm Thủ tướng, ông Lê Quang Luật được ông Diệm cử làm Bộ trưởng Bộ Thông tin rồi sau lại cử ông ra Hà Nội làm Đại biểu chính phủ. Ngày 18-5-1955, sau hạn kỳ 300 ngày của chính quyền quốc gia tại Bắc Việt, ông Luật xuống tàu “Ville de Hải Phòng” của Pháp mang theo một hộp đất phủ lá quốc kỳ vào Thủ đô miền Nam để dân miền Nam lưu niệm nhớ thương đất tổ Hùng Vương. Chiếc hộp đựng đất đã được dân chúng Sài gòn đón tiếp long trọng rồi làm lễ tại Thảo Cầm Viên [21]
- Sau năm 1954, qua các cựu đảng viên và cảm tình viên Duy Dân, tư tưởng LĐA từng được vận dụng và triển khai dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Cao Giao Huỳnh Văn Phẩm (tức Nguyễn Trần Huyên, cháu Chánh án Nguyễn Trần Mô) là người được ông Ngô Đình Nhu mời vào bộ tham mưu trong việc lập thuyết Ấp chiến lược. Ông Phạm Văn Tâm (tức Thái Lăng Nghiêm) là một trong những người soạn bài giảng, dậy cán bộ chỉ đạo làm Ấp chiến lược.
- Khoảng cuối thập niên 60 đầu 70 của thế kỷ trước, một số cựu đảng viên Duy Dân (DD) di cư từ Bắc vào Nam đã xuất bản một số sách dựa theo các tài liệu của Lý Đông A. Đó là nhà xuất bản Gió Đáy, đã in một số tác phẩm như Huyết Hoa, Thiết Giáo, Chu Tri Lục, Đạo Trường Ngâm và Duy Nhân Cương Thường. Ông Thái Lăng Nghiêm (đảng danh Thái Thản) là người viết lời Giới Thiệu cho mấy cuốn sách của Lý tiên sinh. Ông Nghiêm Xuân Hồng, một đảng viên Duy Dân thuộc “chi bộ đảng trưởng” [22] ở Hà Nội, cùng quê Phủ Lý, Hà Nam và cùng học tiểu học với LĐA, cũng viết một số sách nhưng không về tư tưởng. Cuốn nổi tiếng nhất của ông là Cách Mạng và Hành Động. Trong thời gian là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Nguyễn Khánh, ông có ý nâng đỡ các cán bộ DD vào những chức vụ công quyền. Ngoài ra, một người tên Trần Văn Nhật đã viết cuốn Thuyết Kinh Tế Bình Sản để diễn nghĩa và tìm cách áp dụng các nguyên tắc kinh tế trong tài liệu Kinh Tế Bình Sản của LĐA. Tưởng cũng nên nhắc thêm, tác giả Kim Định đã dựa vào khá nhiều quan điểm cũng như khái niệm Nhân Chủ của LĐA [23] để viết một số tác phẩm của ông.
- Lý Đông A không chỉ là nguồn cảm hứng hay ảnh hưởng đến tư tưởng của các cựu đảng viên và cảm tình viên Duy Dân biên soạn sách, về mặt hoạt động, những đảng viên này đã hợp tác với Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo và Dân Xã Đảng, họ dậy học tại các trường Kinh Dương [24], Trung học Nguyễn Trung Trực tại An Giang, đồng thời lập ra các trường Trung học Nhân Chủ và Phan Sào Nam tại Sài Gòn. Trường Trung học tư thục Nhân Chủ do ông Hoàng Thái Sơn (Lê Văn Hiệp) xây dựng và hiến tặng, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Thoại, quận Tân Bình. Năm 1976, trường Nhân Chủ đổi tên thành trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình. Lúc đầu, Giáo sư môn Toán, Đàm Quang Hưng làm hiệu trưởng một năm, sau đó chức vụ này do ông Trần Thanh Đình đảm nhiệm tới 1975 (một nguồn tin khác (TCH) cho rằng ông Đoàn Viết Biên là hiệu trưởng tới 75). Tổng Giám học là ông Dương Kinh Luân. Các giáo sư tại đây hầu hết đều là cựu đảng viên hoặc có khuynh hướng Duy Dân như Nguyễn Hải Phương, Trịnh Đình Thắng, Hà Thế Ruyệt, Trần Công Hàm… [25] Trường Trung học tư thục cấp I, II Phan Sào Nam được xây dựng từ năm 1963, tọa lạc trên đường Phan Thanh Giản. Sau 1975, trường bị quốc hữu hóa, nay có tên là trường Trung học Cơ sở Phan Sào Nam (số 657 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3). Ông Phạm Văn Tâm (tức Nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm) nguyên là hiệu trưởng trường này; theo một nguồn tin khác (VH), ông Trần Văn Từ có thời gian là hiệu trưởng. Giám đốc và chủ trường là ông Phạm Thanh Giang. Cũng giống trường Nhân Chủ, các giáo sư dậy ở đây hoặc là cựu đảng viên hoặc thuộc khuynh hướng Duy Dân như Trần Văn Từ – người thường ra hàng Buồm ăn cơm với LĐA, Lữ Hồ, Vũ Đình Mẫn, Đào Văn Dương, Tiêu Hà Trần Văn Minh…
- Bên cạnh đó, một số đảng viên DD từ các bản Mường ở Hoà Bình ngoài Bắc di cư vào Nam lập ra khu Hoà Bình, rồi cùng các vị Thích Độ Lượng và Thích Tâm Châu lập một trung tâm huấn luyện cán bộ tại Ban Mê Thuột [26]. Năm 1974-1975, họ có kế hoạch đưa cán bộ Duy Dân ra nắm các chức vụ ấp và xã trưởng tại Đắc Lắc, từ đó sẽ là tâm điểm cho vết dầu loang sau này. Tuy nhiên, kế hoạch chỉ mới đưa được một người ra làm ấp trưởng ấp Hưng Đạo, đang chuẩn bị cho vài chức vụ ấp trưởng khác và một xã trưởng thì biến cố 1975 xảy ra.
- Sau 1975, vụ án Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam [có liên quan đến vụ Vinh Sơn] xảy ra năm 1978 tại Sài Gòn. Giáo sư Trần Thanh Đình là người thành lập Mặt trận với hàng trăm người tham gia. Ông có ý định đánh chiếm Sài Gòn và các vùng phụ cận. Kế hoạch bất thành, Giáo sư bị bắt [27] và bị xử tử tại Thủ Đức vào năm 1980 [28]. Trước khi giết, CS nhét vào miệng ông một quả cóc để ông không thể lên tiếng phản đối chúng. Giáo sư Trần Thanh Đình sinh năm 1919 tại Vũ Tiên, Thái Bình. Ông tham gia Đảng Đại Việt Duy Dân từ tháng 8.1945. Trong một tài liệu khác, quý danh Trần Thanh Đình từng xuất hiện vào năm 1946 với tư cách là đảng viên Duy Dân thuộc Chi bộ Bùi Chu, đã giúp tài trợ ba triệu bạc Đông Dương để mua vũ khí cho Tự vệ Công giáo Phát Diệm chống Pháp và chống Cộng sản. Ông Vũ Quốc Thông có kể với ông Phạm Ngọc Chác rằng ba vị Trần Thanh Đình, Giáo Kiên và Phạm Ngọc Chác (đều là cán bộ Duy Dân cao cấp), trong một phiên xử của Việt Minh năm 1946, cả ba “bị xử tử vắng mặt vì chống chính phủ…” [29] Các ông Trần Thanh Đình, Phạm Nhật Khánh cùng các đồng chí DD và những người ngoài đảng trong mặt trận nói trên, dẫu không thành công nhưng các vị ấy xứng đáng có một vị trí trong lịch sử đấu tranh dân chủ của Việt Nam (xem Phụ Lục 2).
- Tổ chức “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt” được thành lập sau năm 1975, có nhiều người tham gia, thành phần chủ yếu là đảng viên Duy Dân; tổ chức có bí danh Z II. Tổ chức có các cơ sở ở Sài Gòn, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định. Ông Đặng Cốc được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt”, ngoài ra Ban lãnh đạo còn có các ông: Nguyễn Sanh Thạch, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Đức Khôi. “Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt” bị chính quyền Cộng sản phát hiện vào tháng 12/1978.
Hải Ngoại
- Một số cựu đảng viên Duy Dân di tản ra nước ngoài, tuy không còn sinh hoạt đảng vì Tổng Đảng Bộ Duy Dân đã giải tán, nhưng họ vẫn tụ tập sinh hoạt và phát triển nhân sự, học hỏi về triết thuyết Nhân Chủ của Lý tiên sinh và đã ấn hành một số sách như sau:
- Huyết Hoa, nằm trong bộ Nhã của Lý Đông A, do Nhóm Nghiên Cứu Văn Hoá Dân Tộc Việt in lại (1986). Trong phần phụ bản, các ông Thái Thư và Thái Kinh Dương giới thiệu khái quát về chủ nghĩa Nhân Chủ Duy Dân.
- Lý Đông A Với Cuộc Cách Mạng Dân Tộc, tác giả là ông Thái Hùng B (1989). Đây là hồi ký về cuộc kháng chiến của Đảng Duy Dân diễn ra tại Hoà Bình, trong đó ông nhắc đến lời Hiệu Triệu Kháng Chiến đã được soạn thảo tại chiến khu này.
- Triết Lý Lý Đông A, Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm – một người cùng quê và rất hâm mộ LĐA – thuộc Nhóm Diễn Đàn Địa Lý Nhân Văn Việt Nam soạn thảo (1998). Ông gọi đó là “Triết lý Tổng thể Duy Nhân [30]”, cho rằng bối cảnh của học thuyết Lý Đông A là do sự khủng hoảng của tri thức nhân loại. Vốn là tiến sĩ Vật lý Vi tử, ông dùng toán vật lý để chứng minh cho sự phát triển của tri thức, và rằng mục đích của học thuyết LĐA là để giải quyết khủng hoảng tri thức nói trên. Sau đó ông đưa ra cách nhìn triết lý LĐA bao gồm hai cột trụ: nguyên lý Tổng thể và nguyên lý Tiến hoá Hướng thượng của xã hội (Xem Phụ Lục 3).
- Chủ Thuyết Nhân Chủ do ông Nguyễn Tử Đóa viết (2000), trình bầy về một chủ thuyết mới, tổng hợp ba chủ thuyết lớn, cận đại của nhân loại là Duy Tâm, Duy Vật và Duy Sinh.
- Triết Học Lý Đông A do Luật sư Đỗ Thái Nhiên [31] biên soạn (2005). Trong phần đầu cuốn sách, tác giả sơ thảo về triết học Lý Đông A mà ông gọi là chìa khóa vàng của tư tưởng. Tuy là sơ thảo nhưng ông Đỗ Thái Nhiên viết rất chi tiết, từ phần nhập môn tới lý luận triết học (qui nạp và diễn dịch) và phần áp dụng của triết học, bao gồm lịch sử quan, thời cơ luận, văn minh luận, kiến thiết luận và cách mạng luận.
- Nền Văn Minh Nhân Bản, Tủ Sách Việt Thường ấn hành (2008) với ba tác giả, Giáo sư Đào Văn Dương, Vĩnh Như và Thường Nhược Thủy, nêu lên việc cần thiết của một nền triết học mới sau thời cộng sản và tư bản.
- Nền Triết Học Việt Nam, Thái Việt Duy Khang soạn thảo (2013). Ông lược qua nhu cầu của triết học, các triết học cận đại so sánh với triết học Việt Nam qua chủ thuyết Nhân Chủ. Sau đó ông nêu lên những ứng dụng và hiệu quả của triết học Lý Đông A.
- Một Quan Niệm Chung Cho Nhân Quyền cũng do Đỗ Thái Nhiên biên soạn (2014). Trong cuốn này, ông nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, những tranh luận về nhân quyền và cuối cùng, đưa ra một quan điểm chung cho nhân quyền dựa trên học thuyết Dân Chủ Nhân Chủ của Lý Đông A.
- Ngoài những cuốn sách trên, Hạ Long Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh trên trang Hạ Long Văn Đàn có viết một số bài giới thiệu về chủ thuyết Nhân Chủ của LĐA. Nhà thơ Viên Linh cũng dành một số báo chuyên đề về Lý Đông A trên tờ Khởi Hành. Ngoài ra, một số anh em thuộc nhiều thế hệ tập họp lại với nhau trong Học Hội Thắng Nghĩa (HHTN), lập ra trang thangnghia.org, với mục đích giới thiệu tư tưởng Nhân Chủ, còn được gọi là Triết học Thắng Nghĩa của Lý Tiên sinh, tức chính nghĩa tất thắng hay vượt thắng các chủ nghĩa (một trong nhiều nghĩa của “Thắng Nghĩa”), nhằm bổ khuyết, điều chỉnh những thiếu sót, sai lầm của ba chủ nghĩa lớn đã ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại trong vài thế kỷ vừa qua. Đó là các Chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Vật và Duy Sinh. (Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm gọi Thắng Nghĩa là chủ nghĩa tất thắng).
- Nhóm nghiên cứu Thắng Nghĩa (Học Hội Thắng Nghĩa) sinh hoạt thường xuyên nhằm mục đích học tập, hội luận, giới thiệu và phổ biến những tài liệu của Lý tiên sinh trong Tuyển tập Lý Đông A, sau khi đã được biên tập và hiệu đính cẩn thận đăng trên trang nhà Thắng Nghĩa. Tuy cẩn trọng đến mức tối đa nhưng chắc chắn sẽ còn thiếu sót và có thể cả lầm lẫn, chúng tôi mong độc giả góp ý, bổ khuyết và giúp điều chỉnh cho hoàn hảo. Trang Thắng Nghĩa sẽ được cập nhật thường xuyên khi chúng tôi có thông tin mới, chính xác hơn. Ngoài ra, chúng tôi được biết Nhóm Nghiên Cứu Nhân Chủ trước kia cũng đã từng sinh hoạt về tư tưởng Nhân Chủ của Lý tiên sinh với Giáo sư Đào Văn Dương (1919-2020).
- Chúng tôi tin rằng đây chính là tư tưởng hợp với xu thế thời đại và xu thế lịch sử của giai đoạn toàn cầu hoá, sẽ giúp chúng ta xây dựng đất nước trong thời hậu cộng sản, để vừa phục hoạt văn hoá Việt, vừa xiển dương một triết thuyết mới của thời đại 2000, phù hợp với hướng đi của toàn thể nhân loại trong thế kỷ 21.
Học Hội Thắng Nghĩa
——————————————–
Cập nhật:
- Tháng 02/2020, thêm bản đồ vị trí làng Nga My ngày nay, cước chú 9.
- Tháng 04/2020, đoạn in nghiêng, cước chú 11.
- Tháng 05/2020, thêm Phụ Lục 3.
Cước chú
[1] “Chữ Lý Đông A, ghép bởi hai chữ Lý và Trần (Đông A) là hai triều đại đã đưa nước Việt lên hàng cường quốc ở Đông Nam Á, cho thấy chí nguyện của Ông không phải chỉ là khôi phục lại nền độc lập, mà còn là khơi lại mạch sống của dân tộc đã bị vùi lấp từ sau cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh.” Phạm Khắc Hàm (1998). Triết Lý Lý Đông A. Diễn Đàn Địa Lý Nhân Văn Việt Nam, trang 369.
Một số nguồn tin trên báo chí Việt ngữ ở hải ngoại được Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm ghi lại trong cuốn Triết Lý Lý Đông A (tr. 367-370), cho rằng Lý Đông A tên là Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Duy Thanh hay Nguyễn Ngọc Thanh và/hay sinh năm 1921.
- Tạp chí Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo phát hành ngày 13/2/1997, trang A2, trong bài “Năm Mới Nói Chuyện Cũ, Hội Đầu Pháo”, ông Vũ Trác viết: “Lý Đông A tên thật là Nguyễn Văn Thanh, là một trong bốn người đã tổ chức vụ khởi nghĩa chống Pháp tại Lạng Sơn (tháng 9-10, 1940), với tư cách Chính Uỷ Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội…”
- Tuần báo Chính Luận số 48 (10/10-17/10/1997) trang 32, trong bài “A.B.C Nhân Chủ”, Nhóm Nghiên Cứu Nhân Chủ Seattle, Washington cho biết: “Thái Dịch sinh năm 1921… Năm 1935, khi 14 tuổi, Thái Dịch hỏi cụ Đồ Đạo về ‘Thiên, Địa, Nhân’ và thắc mắc: con người đứng ở chỗ nào… Tới năm sau (1936) khi vào Huế để học hỏi cụ Phan Bội Châu, cậu Nguyễn Duy Thanh… đã được cụ Phan giảng dậy về Khổng học và Dịch Lý…”
- Người Việt số Xuân Mậu Dần 1998, trang 20-24, trong bài “Một Thoáng Mong Manh Còn Nhớ Mãi”, ông Lý Thái Thư, một nhà cách mạng trong Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (VNCMĐMH) cho rằng Nguyễn Ngọc Thanh “là tên thực của lãnh tụ Duy Dân Đảng Lý Đông A lúc bấy giờ”. Ông còn kể rằng “năm 1943, Lý tiên sinh có tham dự một hội nghị của VNCMĐMH do ông Trương Bội Công và cụ Nguyễn Hải Thần triệu tập để quyết định xin chính phủ Tưởng Giới Thạch tha mạng cho hai người VN [bài báo ghi tên hai người này là Lý Thụy và Đinh Chương Dương] bị bắt vì tội làm gián điệp cho Nga hay Nhật, chưa rõ, và đang bị giam trong phòng tử tội, trong lòng núi Độc Đăng ở Liễu Châu. Sau khi được VNCMĐMH cứu mạng, hai người xin gia nhập và được làm việc tại Tổng Hội”. Cuối 1943, Lý Thụy và Đinh Chương Dương “tình nguyện xin về nước để bí mật đặt cơ sở cho Cách Mạng và được chấp thuận”. Cho đến khi Hồ Chí Minh xuất hiện ở Ba Đình đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, nhóm ông Lý Thái Thư lúc ấy còn ở Côn Minh, “mới biết Lý Thụy và Hồ Chí Minh chỉ là một”.
- Nhật báo Thời Luận số Chủ Nhật (14/9/1997), Giáo sư Lâm Lễ Trinh trong bài “Trần Trung Dung, nhà báo không bẻ cong ngòi bút” thuật lại lời ông Trần Trung Dung: “…đến nay các giai thoại bao quanh nhà triết gia cách mạng kiêm thi hào này vẫn chưa sáng tỏ. Lý Đông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1920 tại Hà Nam, đã viết bộ sách ‘Đại Việt Duy Dân Đại Cương Thảo Án Quốc Sách Toàn Pho’ và sáng lập ngày 1 tháng 1, 1943 Đại Việt Duy Dân Đảng. Triết thuyết Lý Đông A chủ trương triển khai văn hoá và truyền thống dân tộc, lấy con người làm trục, xét trên ba bình diện: vũ trụ, nhân loại và dân tộc…”
[2] Lý Đông A chọn hiệu “Thái Dịch” với chữ đầu là “Thái” để tưởng nhớ đến chốn cũ của tổ tiên nòi Việt là Thái Sơn (tây bắc nước Tàu) như trong câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn. Ngoài ra, tương truyền ông tinh thông Phật học, Sử học, Dịch học và phong thuỷ địa lý; phải chăng chữ “Dịch” trong hiệu của ông mang ý nghĩa này? Các đảng viên Duy Dân đều lấy đảng danh với chữ đầu là “Thái”.
[3] Ở cuối một số tài liệu do ông biên soạn, chúng tôi thấy ghi “X.Y. Lý Đông A” hoặc “X.Y. Thái Dịch Lý Đông A”. Theo cụ Thái Nhân, sau khi Lý Đông A đưa một tài liệu cho cụ hay người khác sao chép (ông gọi là ấn bản lần thứ nhất), Lý tiên sinh thu lại bản chính và đánh dấu “X.Y.” hay “XY” vào cuối bản copy, như chữ ký xác nhận đó là tài liệu “gốc”, sao y bản chánh, mà ông gọi là “ấn bản thứ nhất”. Bản này sau đó được các đảng viên thuộc các Cán Sự bộ thay nhau chép lại để làm tài liệu học tập. Ngoài ra, bên dưới tên tác giả ở cuối tài liệu, ông thường viết năm hoàn thành bằng “Việt lịch”. Ví dụ: 4824 T.V. (Tuổi Việt), tức năm 1945.
[4] Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm tường thuật trong cuốn Triết Lý Lý Đông A (trang 368), trong một cuộc điện đàm, ông Nguyễn Tử Đoá “xác định: Ô. Lý Đông A sinh ngày 25/11 năm Canh Thân tức 1921, tên thực là Nguyễn Hữu Thanh…”
Theo cụ Lang Nhân ghi lại thì ngày tháng năm sinh của Lý Đông A là:
Âm lịch Dương lịch
Năm Canh Thân 1920
Tháng Mậu Tý (11) 12
Ngày Nhâm Dần (01) 10
Giờ Đinh Mùi 13:00 -15:00
[5] Trong cuốn Hồi Ký Một Đời Người (HKMĐN), tập I (tr. 131), tác giả Phạm Ngọc Luỹ viết, theo ông Nguyễn Ngọc Doãn, “ông Lý Đông A tuổi Thân, sinh năm 1920, chỉ mới học xong lớp nhất, theo học thêm hai ba năm bậc thành chung, nhà lãnh tụ tài ba này đã tinh thông kim cổ. Những tập Thiết Giáo, Huyết Hoa, Duy Nhân Cương Thường, Bình Sản Kinh Tế, Cơ Năng Hiến Pháp, tập thơ Đạo Trường Ngâm đã lôi cuốn cả một thế hệ thanh niên chỉ biết tin vào sức mình để cứu nước. Nguyễn Sỹ Huân, làm bí thư cho cụ Nguyễn Hải Thần, hỏi cụ đã gặp lãnh tụ Duy Dân bao giờ chưa thì cụ Nguyễn trả lời: ‘Có gặp ở Liễu Châu, Lý Đông A là một thanh niên xuất chúng, tài năng kỳ lạ’”.
Theo lời kể, “ông được linh quang thần nhập thể vào lúc 16 tuổi, nên được khai mở trí tuệ: đọc rất mau, thâu tóm tư tưởng rất lẹ.”
[6] Theo một nguồn tin khác (Trần Thanh Hiệp) thì khi lên Hà Nội, LĐA tá túc tại nhà ông Dương Thái Ban. Có người nhận xét lúc đó cậu Thanh trông như “một chú tiểu”, dù không xuống tóc đi tu. Sau này, nhiều vị sư tăng còn nhớ chuyện về LĐA, nhất là về sự thông tuệ xuất chúng của “chú tiểu Thanh”. Ông Thái Thế Trịnh Ngọc Bằng, người từng gặp Thầy Thích Tâm Châu và nghe Thầy “ca tụng LĐA hết lời”.
[7] Minh Vũ Hồ Văn Châm, ‘Chuyện Ông Già Sĩ Quan Tình Báo’ (12/1998), Hội Quán Phi Dũng, truy cập ngày 10 tháng Hai năm 2019, https://hoiquanphidung.com/showthread.php?26180.
Ngoài ra, một toán quân khác của Phục Quốc Quân đã đồn trú tại Đồng Đăng dưới sự chỉ huy của Nông Quốc Long vẫn còn tồn tại cho đến năm 1946, dù bị Pháp và CSVN tấn công nhiều lần nhưng đều thất bại.
Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm ghi lại trong cuốn Triết Lý Lý Đông A (tr. 370), theo lời cụ Nguyễn Tiến Đại, một đồng chí của Lý Đông A trong buổi thảo luận về “Triết Lý Đông A” tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) ở Garden Grove năm 1998, cho biết: “khi tới Trung Hoa, các nhà CM (Cách Mạng-ghi chú của HHTN) bị giải giới và bị hỏi ‘Theo đảng nào? Cương lĩnh ra sao?’ Các nhà CM không biết trả lời ra sao, vì Phục Quốc Quân chỉ là tên của đoàn quân phục quốc chứ không có Đảng Phục Quốc, cũng như không có cương lĩnh nào cả. Lý tiên sinh phải thảo ngay một cương lĩnh cho đoàn quân CM!”
[8] Đây là văn kiện ghi nhận sự kết hợp các lực lượng của phe Quốc gia. Sau này, khi Nguyễn Tường Tam tham gia chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh, theo một nguồn tin kể lại (Thái Nhân), Lý Đông A đã viết thư yêu cầu Nguyễn Tường Tam rút khỏi chính phủ liên hiệp. Trong thời kỳ kháng chiến, trong cuốn HKMĐN, tập I (tr. 169), thì “ba nhân vật bị Việt Minh hạ nhục hơn cả là Bảo Đại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam bằng những biểu ngữ kết tội Việt gian, phản động. Ba vị đã được dựng thành những hình nộm ở khắp nơi để khách qua đường sỉ vả”.

Vị trí làng Nga My ngày nay thuộc xã Gia Thuỷ (trích từ tài liệu của ông Huỳnh Việt Lang chụp từ Bản đồ Wikimapia).
[9] Theo hồi ký của ông Phạm Ngọc Luỹ thì Việt Minh đánh chiếm đồi Nga My ngay ngày 2.9.1945, tức trường huấn luyện được thành lập trước ngày này năm 1945. HHTN chưa tìm được thời điểm chính xác. Trên trang Tỉnh đoàn Ninh Bình của chính quyền CSVN, tại Chương II: Thanh niên Ninh Bình tham gia bảo vệ, củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), số chiến sĩ Duy Dân bị bắt và bị giết tại mặt trận Nga My là 20 người. Theo tài liệu “Đảng sử Phụ lược Đại Việt Duy Dân Cách Mạng Đảng” của ông Vũ Hoàn Thái Tuấn A hoàn thành vào June 2007, trước khi nổ ra trận Nga My, 261 chiến sĩ Duy Dân đã bị phục kích giết chết tại khúc sông Gián Khẩu (Gián Khuất) trong lúc di chuyển trên sông Đáy tiếp viện cho chiến khu Nga My. Cũng theo trang Tỉnh đoàn Ninh Bình nói trên thì trận Hoà Bình xảy ra vào ngày 26.8.1945.
[10] “Tham Mưu Biệt Bộ” là tên gọi của ban tham mưu trực thuộc Tổng Đảng Bộ. Các Cán Sự Bộ cũng có ban tham mưu của mình lo việc điều hành và phát triển tổ chức. Ngoài Tham Mưu Biệt Bộ còn có “Xích Long Vệ”, cũng được điều hành trực tiếp từ Tổng Đảng Bộ, là cơ quan đặc biệt bí mật, chuyên lo về an ninh, tình báo cả trong lẫn ngoài tổ chức mà không ai biết nhân sự phụ trách là những ai. Có lẽ giai đoạn đầu còn quá nhiều khó khăn và cũng không đủ thời gian để có thể kiện toàn cơ cấu tổ chức, nên không có tài liệu nào ghi nhận hoạt động của các cơ quan này. HHTN
[11] Một đường link khác dưới đây (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 – 2010), Chương 3) hiện không truy cập được – (12/2019) – tuy chúng tôi còn giữ được bài này – nói về việc cs đánh chiếm căn cứ Hoà Bình giữa năm 1946. Tài liệu đó cho rằng Lý Đông A là Trần Khắc Tường (Trang Wikipedia tiếng Việt viết về Lý Đông A có lẽ cũng lấy tin từ trang của đảng bộ cs tình Hoà Bình nên cũng ghi người bị giết tên Trần Khắc Tường – truy cập ngày 19-12-2020). Điều này chứng tỏ CSVN không biết Lý Đông A là ai và có thể ông không bị giết dưới tay họ và vẫn còn sống sau đó. Ngoài ra, tương truyền ông hoá trang rất tài tình, trong cặp táp lúc nào cũng có sẵn một số dụng cụ hoá trang. Trong điện thư ngày 26 tháng Tư năm 2020 gửi Học Hội Thắng Nghĩa, ông Thái Thế viết:
“Cụ Nguyễn Hữu Loan anh cả của LĐA. Cụ Loan chỉ kể vài chuyện về LĐA khi còn nhỏ, cụ Loan chỉ lớn hơn ông em 6 tuổi! và cho biết quê của LĐA là “làng Yên Tập”, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam gần Yên Đổ chứ không phải cùng làng với Nguyễn Khuyến! Từ Khi LĐA đi Hà Nội thì cụ Loan không biết gì về việc làm của em mình!
Người thứ 2 là “thày dậy” của tôi, Cán Sự Trưởng Cán Sự Bộ 002, cụ Thái Nhân (thân sinh của anh Nhiên Hòa). Cụ Thái Nhân cho biết về “đặc tính” của LĐA. Đặc biệt là “rất thận trọng”. Thời buổi đó mật thám Pháp và Việt gian tay sai nhan nhản khắp nơi, nếu sơ hở là bị bắt ngay! LĐA có tài “hóa trang” nên “biến hóa” khôn lường! Khi thì làm “anh Khóa… học trò”, khi thì làm “người nhà quê”, có lúc lại làm “nhà sư trẻ”… và có nghiêm lệnh “không bao giờ được chụp ảnh”, vẽ chân dung… hay ghi chú về bản đồ đường đi… LĐA đến và đi đều “xuất kỳ bất ý” có nghĩa là không ai biết trước! Và cụ [Thái] Nhân bật cười khi tôi hỏi về “hình chụp LĐA!” Làm gì có mà hỏi!
Sự thận trọng còn đến mức “các thủ bút” chữ viết tay của LĐA đều được “lấy lại” sau khi sao chép xong Tài Liệu!
Tôi lại được một vị cao cấp khác của DD, bác Đức Bình [ĐB], Cán Sự Bộ 008 thuộc Thái Bình, vào miền Nam bác ĐB về vùng Long Xuyên mở trường dậy học, làm Hiệu Trưởng trường Kinh Dương quận Chợ Mới An Giang. Bác Bình cũng cho tôi biết những điều mà cụ Thái Nhân đã dậy.”
[12] Hệ thống tổ chức của Đảng Đại Việt Duy Dân thời Lý Đông A còn hiện tiền gồm có: thấp nhất là Tiểu Tổ, gồm từ 3 đến 5 hoặc 7 đảng viên. Đến người thứ 8 thì tách ra thành hai tiểu tổ. Từ 3 đến 5 Tiểu Tổ họp lại thành Chi Bộ. Nhiều Chi Bộ thì thành Cán Sự Bộ. Cán Sự Bộ gồm nhiều Chi Bộ ở cùng một địa phương, vì thế Cán Sự Bộ (CSB) còn mang tính cách khu vực, địa phương, có thể coi như “đảng bộ địa phương”. Trên cùng là Tổng Đảng Bộ.
Đứng đầu Tiểu Tổ là Tổ Trưởng; cấp Chi Bộ là Chi Bộ Trưởng; cấp Cán Sự Bộ là Cán Sự Trưởng. Cao cấp nhất là Thư Ký Trưởng. Lý Đông A là Thư Ký Trưởng của Đảng Đại Việt Duy Dân.
Các tổ viên chỉ biết tổ trưởng và biết nhau chứ không được biết thành viên các tiểu tổ khác. “Tiểu Tổ tam Thanh” là tiểu tổ đầu tiên của Duy Dân: ngoài Nguyễn Hữu Thanh, hai tổ viên khác cũng tên Thanh, được phân biệt bằng Thanh A, Thanh B và Thanh C. Chi bộ đầu tiên của Duy Dân là chi bộ 1A, thường gọi là “oong A”, có cụ bà Đức Thụ, ông Trần Bá Lân (con cụ Trần Đăng Long).
Cán Sự Bộ 001 là cán sự bộ Thủ đô Hà Nội, bao gồm sinh viên và giới trí thức. CSB 002 là ở Hà Đông… CSB 008 thuộc tỉnh Thái Bình. Khi có cuộc di cư vào Nam năm 1954, tức sau khi đã có lệnh giải tán Tổng Đảng Bộ, các Cán Sự Bộ tự quyết định riêng theo địa phương chứ không có lệnh chung. Vì thế nhiều vùng di cư vào Nam, có vùng ở lại miền Bắc “chìm vào đáy tầng”, chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản.
[13] Trong thời gian này, ngoài khá đông đảng viên Duy Dân, đảng viên các đảng khác cũng tạm lánh về khu Tự vệ Công giáo như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Dân Tộc.
[14] Lê Vinh là bí danh của ông Trần Quốc Lương, em nhà thơ Trần Việt Hoài tức Trần Quốc Phiên. Cả hai ông đều là con của Á Nam Trần Tuấn Khải. Ông Lê Vinh còn có một bí danh khác là Thái Hồ, người từng cùng Luật sư Trần Thanh Hiệp vào Huế dự Trại Kim Cang, huấn luyện huynh trưởng Gia đình Phật Tử toàn quốc với trại trưởng là Võ Đình Cường.
Ông Hoài và ông Vinh từng làm giảng viên khóa học chống Cộng năm 1955, do Bộ Thông tin tổ chức, tại khu Phú Thọ.
Năm 1953, ông Lê Vinh đại diện đảng Đại Việt Duy Dân tham gia Mặt Trận Dân Chủ (có tài liệu viết Liên Minh Dân Chủ), với ba chính đảng khác: Việt Nam Quốc Dân Đảng, do ông Vũ Hồng Khanh đại diện; Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, do ông Phan Bá Cầm đại diện; và Khối Dân Chủ Xã Hội, do ông Hoàng Cơ Thụỵ đại diện.
[15] Ông Bùi Huy Giá sau này vào Nam được Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nghiêm Xuân Hồng thời Chính phủ Nguyễn Khánh đưa lên làm tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc trong một thời gian ngắn.
[16] Mấy năm sau họ bị Việt Minh (VM) tấn công, bắn pháo như mưa. Ông Hà Công Thắng di chuyển về Hòa Bình, lúc đó đã do Pháp chiếm. Ông Bùi Tấn Diễn và ông Độ ở lại trốn trong hang đá với năm người Nhật, được người Mường tiếp tế. Như vậy vùng năm châu có quý ông: Lê Vinh, Bùi Huy Giá, Thái Voi, Bùi Tấn Diễn, ông Độ, sau có bà Giáo Chính cũng lên đó. Họ không lập chiến khu, không đánh nhau với VM, cũng không có lãnh đạo nên chưa làm được gì, chỉ không chấp nhận VM và lập dân quân địa phương do ông Hà Công Thắng chỉ huy. Ông Thắng là cảm tình viên chứ chưa phải đảng viên Duy Dân. Khoảng 1950, ông Bùi Tấn Diễn cùng những người kia chạy trở lại Hà Nội. Trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, tại chương VII, kể lại chuyện bà Cả Chính (tên Chu Bích Viêm) là giao liên, người “đã từng đưa Nguyễn Tất Thành qua Hải Phòng, Móng Cái, sang Trung Quốc gặp Lý Đông A ở Liễu Châu” theo đường dây của cụ Phan Bội Châu, hồi đó “chưa có phong trào cộng sản” tại VN; và rằng cuộc xuất dương đầu tiên của Hồ Chi Minh là sang Trung Quốc chứ không phải qua Pháp từ cảng Nhà Rồng.
[17] Vùng Ninh Nhất cũng tổ chức khu Phật giáo dưới ảnh hưởng của các Nhà Sư Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp và Thích Đức Nhuận. Trong HKMĐN, tập I (tr. 164), ông Phạm Ngọc Luỹ viết: “Khủng bố, truy lùng, thủ tiêu những phần tử quốc gia trong khi Pháp tiến chiếm nhiều nơi, Việt Minh nhân danh kháng chiến kết án phía đối lập bằng những danh từ phản động, Việt gian. Anh em Duy Dân còn tập trung được vì hoạt động bí mật”.
[18] HKMĐN, tập I (tr. 175-191). Ông Phạm Ngọc Luỹ viết như sau: “Thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ thật hoang mang. Những lãnh tụ quốc gia, một số bị Việt Minh đánh bại tìm cách rút sang Tàu, một số khác bị thủ tiêu, giam cầm. Lực lượng quốc gia ở Hà Nội coi như không còn hoạt động công khai nữa mà rút vào bí mật để tránh khủng bố. Đại Việt Duy Dân đã đem lại một niềm hy vọng le lói trong đêm đen, “Người Việt phải tự sức đứng lên để tự cứu” (tr. 153).
[19] Mặc dù không phải là đảng viên, nhưng vì có hai người anh là Phạm Ngọc Chác (sau đổi tên là Nguyễn Bá Tửu) và Phạm Ngọc Kha đều thuộc Duy Dân nên ông Phạm Ngọc Luỹ được giao trách nhiệm chỉ huy, vì sự tin tưởng rằng kế hoạch sẽ không bị lộ. Lúc đầu ông chỉ muốn là người hiện diện trong đoàn phá ngục, nhưng ông Lê Văn trấn an, “Anh cứ đảm nhận cầm đầu đi. Hành động đã có chúng tôi. Có nội ứng mới dám đánh” (HKMĐN, tr. 184).
[20] HKMĐN (tr. 199-206).
[21] Ông Lê Quang Luật – một đảng viên Duy Dân – sau năm 1945, từng làm lãnh đạo Phong Trào Dân Chúng Liên Hiệp (tổ chức này từng có tên là đảng Công Giáo Xã Hội).
Cuộc di cư 1954 của trên 800.000 đồng bào được thực hiện là nhờ phương tiện của Pháp, Mỹ. Tuy nhiên không thể không nhắc đến ông Lê Quang Luật là người có rất nhiều sáng kiến chính trị xuất sắc, nên đã khôn khéo tổ chức cho cuộc di cư dù đông đảo nhưng vẫn trật tự, đem được trên 650.000 người Công giáo miền Bắc vào Nam. Sau khi vào Nam, ông Luật trở về sống cuộc đời thanh bạch, cho đến chết vẫn không lập gia đình, ở vậy để làm ăn nuôi cha già. (Hồi ký Đỗ Mậu. Chương 15. Online). Sau khi vào Nam, ông Lê Quang Luật tiếp tục công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ quốc gia. Tháng 4/1960, ông Luật cùng 17 trí thức và nhân sỹ khác, đồng ký vào Tuyên bố Caravelle lên tiếng thức tỉnh chính quyền Tổng thống Ngô đình Diệm (Căn cứ theo nội dung Tuyên bố Caravelle và danh sách ký tên).
[22] Mặc dù nhiều người gọi ông là “đảng trưởng” nhưng ông chỉ nhận là thư ký trưởng, chức vụ cao nhất của Đảng Duy Dân.
[23] Linh mục Kim Định có thể nhận được tài liệu của Duy Dân qua một vài nguồn khác nhau. Một trong những nguồn đó là từ ông Nguyễn Hải Phương, một đảng viên Duy Dân, trong lúc ông Phương theo học với Linh mục về triết Đông tại Sài Gòn. Ông Phương đã đưa cho Lm Kim Định hai tập tài liệu: Việt Sử Thông Luận và Uyên Nguyên Việt (tập Uyên Nguyên Việt hiện chưa tìm lại được).
[24] Trường Kinh Dương do Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thành lập, toạ lạc tại Chợ Mới, Long Xuyên. Trường từng được giao cho một đảng viên Duy Dân, ông Trần Nguyên Bình, làm hiệu trưởng.
[25] Một người tên Tham, quen gọi là ông “Tham Già”, thân phụ Đại tá VNCH Nguyễn Đình Bảo, là người lo về tài chánh chi thu cho trường.
[26] Nhà văn Duyên Anh từng là học viên tại trung tâm này trong vài tháng, sau đó có dịp về Long Xuyên dậy học ở các trường bán công Hoà Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Dù chưa phải là đảng viên Duy Dân nhưng chỉ vì sự liên hệ ngắn ngủi này mà khi vào tù, Duyên Anh đã bị cộng sản tra vấn rất kỹ.
[27] Xem Phụ Lục 2 (Bản Cáo trạng vụ án liên quan đến “Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam”). Giáo sư Trần Thanh Đình là Cán Sự trưởng Cán Sự Bộ 008, phụ trách vùng Thái Bình.
[28] Người Việt online, ngày 2 tháng 11 năm 2015.
[29] HKMĐN, tập I (tr. 167).
[30] Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm cũng viết một tiểu luận bằng tiếng Anh bàn về sự tổng hợp triết lý Đông-Tây của Tiên sinh Lý Đông A.
[31] Sau 1975, trong nhà tù cộng sản, Luật sư Đỗ Thái Nhiên được Giáo sư Đoàn Viết Hoạt hướng dẫn về tư tưởng Lý Đông A. Sau khi ra tù, ông đến thọ giáo thêm với thân phụ của Gs Đoàn Viết Hoạt là cụ Thái Nhân trong ba năm liền, trước khi vượt biên sang Mỹ.
————————————————————————————————–
Phụ Lục 1
(Theo lời kể của Luật sư Trần Thanh Hiệp)
Thuở nhỏ vì nhà nghèo, cậu Thanh không được gia đình cho học lên Trung học sau khi đậu Sơ học Pháp nên quay về theo học người chú là một cụ đồ nho. Chỉ mới sáu tháng, cậu Thanh đã thông thạo chữ Hán và chẳng mấy chốc học hết chữ của ông chú. Ông chú bèn đưa cậu lên chùa trong phủ để thụ giáo sư cụ chùa này. Cậu Thanh được sư cụ thu nhận làm đệ tử và dạy cậu về chữ nho cũng như về Phật học. Sư cụ trước đây đã hai lần đỗ tú tài, một thời theo cụ Phan Bội Châu làm cách mạng, bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Trong chỗ đi lại với sư cụ, có một nhà nho khác nữa là cụ Hải Kình, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Sư cụ chùa Phủ Lý Nhân cũng như cụ Hải Kình đều không thể trả lời những câu hỏi của cậu Thanh về chỗ đứng của con người trong trời đất, về Kinh Dịch và lịch sử cận đại. Cụ Hải Kình đề nghị đem cậu Thanh vào Huế gặp cụ Phan Bội Châu. Cụ chọn ngày rằm tháng Giêng âm lịch (1936), ngày tế Nam Giao để đưa cậu Thanh vào Huế xin cho cậu Thanh theo học cụ Phan Bội Châu. Rồi cụ Hải Kình trở ra Bắc, để cậu Thanh ở lại tư thất cụ Phan Bội Châu và cậu Thanh sẽ ở lại đó một thời gian. Sau một cuộc khảo sát về kiến thức của cậu Thanh, cụ Phan Bội Châu bắt đầu giảng cho cậu Thanh về Kinh Dịch, đôi khi cụ so sánh với tư tưởng của Karl Marx (Mã Khắc Tư), của Montesquieu và JJ Rousseau (Mạnh Đức Tư Cưu và Lư Thoa). Rồi cụ nói về hai mươi năm hoạt động cách mạng, những kinh nghiệm đau thương với các loại đế quốc thực dân. Khi cậu Thanh hỏi cụ dân tộc ta nên theo duy tâm hay duy vật, cụ trả lời rằng: “Dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân”. Cụ nói tới đâu, cậu Thanh nhớ tới đó chẳng cần ghi chép trên giấy. Sau 25 ngày, cụ Phan Bội Châu nhắn cho cụ Hải Kình hay là việc huấn luyện cậu Thanh kể như đã xong. Cụ Hải Kình từ Nghệ An trở vào Huế đón cậu Thanh về. Khi tiễn chân cụ Hải Kình và cậu Thanh ra cổng, cụ vỗ vai cậu Thanh và nói: “Cháu là một viên ngọc qúi. Bố mẹ cháu chắc tu nhiều kiếp mới sinh ra cháu… Chú đặt kỳ vọng ở cháu rất nhiều. Tấm ảnh mà chú tặng cháu với bốn chữ ‘Cứu Quốc Tồn Chủng’, cháu có thể sử dụng như thư giới thiệu với cựu đồng chí của chú mỗi khi cần tới”. Quay sang cụ Hải Kình, cụ Phan Bội Châu nói chúng ta già rồi, bằng mọi cách chúng ta cần phải yểm trợ cho thằng cháu vì cháu nó chính là tương lai của chúng ta và của dân tộc (theo Gs ĐVD).
Sau thời gian được những người ở bậc cha chú dạy dỗ, cậu Thanh đã tự mình tổ chức cuộc sống cho mình. Cậu loay hoay muốn tìm cách thoả mãn nhu cầu học hỏi thêm. Biết được tâm sự của em, người anh cả trong gia đình cậu Thanh là Nguyễn Hữu Loan bèn gửi cậu lên Hà Nội ở nhà ông Dương Thái Ban, người cùng quê Hà Nam, nhờ ông Ban lo dùm cho cậu Thanh. Cậu Thanh dành dụm tiền anh cho và ghi tên vào học một trường tư, không vì mục đích bằng cấp mà chỉ chú trọng tìm học những môn cậu thấy cần bổ túc, cốt sao nắm được tinh túy của khoa học, sử học, triết học phương Tây, để cậu có thể phối hợp văn hóa phương Tây với văn hóa phương Đông mà cậu đã tiếp thu được từ sư cụ chùa Phủ Lý Nhân, hai cụ Hải Kình và Phan Bội Châu. Mặt khác, cậu Thanh hằng ngày vô thư viện công cộng – thư viện của Hội Viễn Đông Bác Cổ – với sự trợ giúp của ông Nguyễn Văn Tố, Quản thủ viên thư viện này cũng như của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ để mượn được sách mang về nhà đọc.
Thỉnh thoảng cậu còn lên chùa Quán Sứ đọc kinh và chuyện trò với những nhà sư trẻ. Tại tư gia ông Dương Thái Ban, nơi đi lại, tụ họp của giới làm cách mạng thuộc đủ mọi xu hướng quốc gia, cộng sản, cậu Thanh lắng nghe các cuộc trao đổi ý kiến, cậu chỉ lắng nghe những người làm cách mạng thời đó và ghi nhớ không cần ghi chép.
Trong suốt thời gian chừng hai năm tại Hà Nội, Nguyễn Hữu Thanh đã cố gắng sắp xếp tư tưởng của mình thành một hệ thống lý luận. Năm 1938, Nguyễn Hữu Thanh đột ngột rời Hà Nội xuống Hải Phòng đi làm cho một hãng buôn, để dành tiền lên núi Yên Tử vào chùa đọc kinh sách và suy tư. Buổi chiều, Nguyễn Hữu Thanh thường hay ra ngồi dưới gốc cây thông nhìn xuống chân đồi tĩnh tâm suy nghĩ. Một bữa, theo lời Nguyễn Hữu Thanh kể lại với một đồng chí Duy Dân là Phạm Thanh Giang: Nguyễn Hữu Thanh (NHT) “bỗng thấy hiện ra trước mặt một vùng trời sáng chói, đỏ rực như vầng thái dương”, mọi ý nghĩ trong đầu NHT “đều như quyện lấy hào quang và chan hòa vào vũ trụ. Nhắm mắt lại, NHT bỗng thấy mọi ưu tư, mọi mâu thuẫn, mọi thắc mắc vụt tan biến. Tất cả được giải tỏa và sắp xếp thành một hệ thống rất chặt chẽ và thứ tự như một phương trình gọn ghẽ minh bạch: Nguyễn Hữu Thanh đã khám phá ra biện chứng Duy Dân.”.
Mùa Thu năm 1939, Pháp tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Thấy thời cơ sắp tới, Nguyễn Hữu Thanh lặng lẽ tiếp xúc với các nhà cách mạng đàn anh, trong đó có Sư cụ Tâm của chùa Phủ Lý Nhân và cụ Hải Kình. Mùa hè năm 1940, Pháp thua trận, Nhật tiến vào Đông Dương. Để làm áp lực với Pháp, Nhật yểm trợ cho Việt Nam Phục Quốc Hội của Hoàng thân Cường Để, một đồng chí của cụ Phan Bội Châu. Đại diện của Cường Để là Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập thuộc toán quân Nhật có mặt tại Lạng Sơn. Họ tập hợp được một số quân nhân Việt Nam từng theo quân đội Nhật và quân đội Pháp, đồng thời một số thanh niên yêu nước lác đác từ đồng bằng lên Lạng Sơn xin gia nhập.
Riêng cụ Hải Kình, cụ chỉ định ông Bùi Quỹ, một đảng viên trong chi bộ VNQDĐ của cụ đích thân mang thanh niên Nguyễn Hữu Thanh lên Lạng Sơn gặp Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập. Sau nhiều cuộc trao đổi ý kiến, rất ngạc nhiên và bị thuyết phục trước những kiến thức uyên bác của thư sinh Nguyễn Hữu Thanh, Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập đồng thanh mời Nguyễn Hữu Thanh làm Ủy viên Chính trị của Phục Quốc Quân và được giới thiệu với các cấp chỉ huy của đoàn quân này. Bắt tay vào việc, Nguyễn Hữu Thanh chia đoàn quân ra thành từng nhóm để thuyết giải về mục đích cứu quốc của đoàn quân, về kinh nghiệm lịch sử của dân tộc. Nguyễn Hữu Thanh cũng không ngần ngại đi phục kích cùng đồng đội. Mọi người rất phấn khởi, kéo nhau đi cổ động rộng rãi đồng bào các giới tiếp tay tranh đấu cùng với Phục Quốc Quân.
Công việc đang tiến hành tốt đẹp bỗng xảy ra việc quân Pháp nhượng bộ, chịu để cho quân đội Nhật đến hữu ngạn sông Hồng Hà. Đổi lại, Pháp yêu cầu Nhật thôi yểm trợ Phục Quốc Quân. Nhật lặng lẽ rút quân đi nơi khác. Pháp chiếm lại Lạng Sơn. Trung tá Trần Trung Lập bị Pháp bắt và xử tử. Thiếu tướng Đoàn Kiểm Điểm bị chết tại trận vì thiếu sự yểm trợ của quân Nhật.
Tại Lạng Sơn, đoàn quân Phục Quốc lâm vào tình trạng bị phân tán. Một mặt, một số binh sĩ phục quốc bị Pháp cầm tù tại Sơn La, trong đó có một số tù nhân cộng sản như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy. Mặt khác, một số theo chân Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh sang tị nạn bên Tàu.
Bỏ nước chạy sang Tàu là một điều đau xót đối với Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh, vì hồn ông là hồn sử đầy những trang chói sáng mà những danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật cũng như những minh quân như Trần Nhân Tông đã viết ra một cách hào hùng.
Sau nhiều ngày gian nan, mọi người dắt díu nhau tới Liễu Châu. Nơi đây, người đầu tiên Nguyễn Hữu Thanh tìm gặp là cụ Nguyễn Hải Thần, còn có tên gọi là cụ Tú Đại Từ. Cụ Nguyễn Hải Thần năm 1905, theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản làm cách mạng. Năm 1908, Nhật Bản đã đuổi các cụ ra khỏi nước Nhật để có thể bắt tay với Pháp. Các cụ phải qua Tàu lánh nạn, rồi gia nhập quân đội của Tưởng Giới Thạch. Cụ Nguyễn Hải Thần vào học trường Lục quân Hoàng Phố. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, cụ được phong chức Trung Tướng, rất có uy tín đối với Tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Quân khu vùng đó.
Khi gặp cụ nguyễn Hải Thần, Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh đưa cho cụ coi bức ảnh của cụ Phan Bội Châu có đề bốn chữ “Cứu Quốc Tồn Chủng”. Cụ Nguyễn Hải Thần nhận ra bút tích của cụ Phan Bội Châu nên vui mừng ôm chầm lấy chàng thanh niên thư sinh Nguyễn Hữu Thanh, tìm hiểu nhu cầu cấp bách của nhóm người cùng đi với anh. Nguyễn Hữu Thanh ghi tên nhập học nhưng đổi tên khác để anh em có thể thay mặt khi điểm danh. Nguyễn Hữu Thanh đã vào thư viện của trường vùi đầu đọc sách, nghiên cứu về chiến tranh, về tương quan chính trị với quân sự và giữa quân sự với giáo dục. Ông đọc không biết mệt mỏi. Theo lời kể lại của anh em thì buổi tối khi về phòng, Nguyễn Hữu Thanh “thường đi đi lại lại tiếp tục suy nghĩ” và ngồi vào bàn hý hoáy ghi vào sổ tay.
Tuy miệt mài đọc sách nhưng Nguyễn Hữu Thanh không quên liên lạc với cụ Nguyễn Hải Thần. Khi thảo luận, cụ Nguyễn Hải Thần khâm phục kiến thức rất sâu rộng của Nguyễn Hữu Thanh. Cụ nảy ra ý kiến vận động tướng Trương Phát Khuê mở trường cán huấn, tương tự như Trung Tâm Huấn Luyện Địa Phương Quân, dành riêng cho thanh niên Việt Nam tị nạn. Khác với cụ Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Hải Thần gọi ông là “hiền đệ và xưng là ngu huynh.” Cụ đã mời Nguyễn Hữu Thanh vào Ban bí thư của Tổ chức Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và giới thiệu ông với bí danh do chính ông lựa chọn: Lý Đông A. “Lý” là thời nhà Lý; “Đông A” là chữ nho do chữ “Trần” phân ra làm hai. Lý Đông A – Lý và Trần – có nghĩa là hai thời đại cực thịnh, cực văn minh của dân tộc ta.
Từ đó (cuối năm 1941), tên tuổi Lý Đông A bắt đầu “đi vào lịch sử dân tộc.”
————————————————————————————————-
Phụ Lục 2
————————————————————————————————
Phụ Lục 3
Môt số hình ảnh tác phẩm các tác giả viết để diễn giải tư tưởng của Thái Dịch Lý Đông A.
————————————————————————
Ghi chú: Học Hội Thắng Nghĩa (HHTN) tổng hợp tiểu sử Thái Dịch Lý Đông A và hoạt động của Đảng Đại Việt Duy Dân từ nhiều nguồn, hầu hết là từ các cựu đảng viên, cảm tình viên Duy Dân cho đến tháng 10 năm 2017, có thể sẽ còn được bổ túc và điều chỉnh khi có thêm các nguồn tin khác. Ngoài ra, dưới đây là một số nguồn được HHTN tham khảo:
Phạm Khắc Hàm (1998). Triết Lý Lý Đông A, Diễn Đàn Địa Lý Nhân Văn Việt Nam, Santa Ana.
Phạm Ngọc Luỹ (1993). Hồi Ký Một Đời Người, tập I, Tân Văn, Nhật Bản.
NXB Văn học (2006). Vũ Bằng Toàn tập, tập I.
Các nguồn dưới đây được truy cập từ tháng 6 tới tháng 10 năm 2017:
https://hoahao.org/a2691/15-sau-khi-huynh-thu-lanh-ra-di
http://huynh.tamh.free.fr/ly%20dong%20a/dong%20an.html
(truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2020)
http://www.diendantheky.net/2016/08/bui-diem-tuong-nho-anh-nhu-phong-qua.html
https://vietbao.com/a268438/trang-su-viet-ly-dong-a
http://saigontimesusa.com/bai/vanchuong/nghiemxuanhong.shtml
http://nghiemtulan.com/nha-van-nghiem-xuan-hong/
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19397
http://gocsanchoihd.blogspot.com.au/2017/06/nha-tu-chuong-8-chuong-9-duyen-anh.html
http://www.tusachvietthuong.org/
http://www.art2all.net/tho/tho_sn/nuathekyvietnam/nuathekyvietnam_chuong7.htm
https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/Thuong-tiec-Giao-Su-Phero-Tran-Thanh-Dinh-3600/
http://www.tqlcvn.org/linh_tinh/tuve_phatdiem.htm
https://leminhkhai.wordpress.com/tag/ly-dong-a/
<===== Trang Nhà
Ký Trình – Thống Nhất Các Đảng Phái Quốc Gia =====>